Bà HTDH và một người khác là đồng sở hữu một căn nhà ở đường Hàn Thuyên (quận 1, TP.HCM). Năm 2008, hai người bán nhà cho bà LTVK. Sau đó, bà K. đem nhà thế chấp cho một ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho một công ty.
Tiền đã trao, nhà chẳng có
Do công ty trên không trả nợ nên bị ngân hàng khởi kiện. Năm 2012, TAND TP.HCM xét xử, tuyên trong trường hợp công ty không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự (THADS) phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục THADS quận 1 đã tổ chức THA và tổ chức bán đấu giá căn nhà trên. Lúc này bà H. có đơn đề nghị Chi cục THADS quận 1 dừng THA với lý do lúc mua nhà bà K. vẫn còn thiếu nợ bà hơn 1.000 cây vàng.
Chi cục THADS quận 1 nhận định đơn vị này đang xử lý tài sản bảo đảm nghĩa vụ trả nợ ngân hàng theo bản án nên vẫn đưa căn nhà ra đấu giá. Đầu tháng 6-2016, bà Đỗ Thị Mai Loan đã mua trúng đấu giá căn nhà với giá gần 53 tỉ đồng, đã nộp đủ tiền và được công chứng. Dù vậy, từ đó đến nay bà Loan vẫn chưa được Chi cục THADS quận 1 giao nhà.
Hiện Chi cục THA dân sự quận 1 vẫn chưa thể giao căn nhà này cho người mua trúng đấu giá là bà Loan. Ảnh: KT. |
Vướng kiện tụng liên quan
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thực tế bà H. vẫn đang sử dụng căn nhà trên. Chấp hành viên THADS quận 1 mời bà H. đến làm việc, yêu cầu giao nhà cho bà Loan thì mới hay từ năm 2015, TAND quận này đã thụ lý đơn của bà H. về việc yêu cầu tòa hủy bỏ hợp đồng mua bán nhà với bà K.
Họp liên ngành, Chi cục THADS quận 1 nêu quan điểm là phải giao nhà cho bà Loan. Tuy nhiên, VKSND quận 1 lại cho rằng căn nhà đang có tranh chấp nên đề nghị hoãn THA, chờ kết quả giải quyết của TAND quận 1. Còn phía TAND quận 1 thì nói hoãn THA hay cưỡng chế giao nhà cho bà Loan thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS.
Sau khi Chi cục THADS quận 1 xin ý kiến, tháng 4-2017, Cục THADS TP.HCM có hướng dẫn nghiệp vụ, dẫn chứng điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS để cho rằng đây là trường hợp tài sản kê biên có tranh chấp đã được tòa thụ lý để giải quyết, thuộc trường hợp hoãn THA. Chính vì vậy đến nay Chi cục THADS quận 1 chưa thể tiến hành cưỡng chế giao nhà cho bà Loan.
“Tôi phải hùn tiền với nhiều người mới có gần 53 tỉ đồng để mua căn nhà trên. Giờ thì nhà không có, cứ phải chờ hết tháng này đến tháng khác, đến bao giờ tôi mới nhận được nhà đây?” - bà Loan rầu rĩ.
Không phải là tranh chấp tài sản chung?
Về mặt pháp lý, trao đổi với PV, Cục trưởng Cục THADS của một tỉnh (đề nghị không nêu tên) nhận xét: Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 103 Luật THADS thì cơ quan THADS phải tổ chức cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá.
“Không có lý do gì mà chần chừ cả” - vị này khẳng định và cho biết nếu vụ việc xảy ra ở đơn vị ông, ông sẽ chỉ đạo cấp dưới giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Riêng số tiền gần 53 tỉ đồng (tiền bà Loan mua trúng đấu giá) cơ quan THADS tiếp tục gửi ngân hàng, khi nào tòa tuyên bà K. phải trả nợ cho bà H. hơn 1.000 cây vàng thì tính tiếp. Chỉ có như vậy thì quyền lợi của người mua trúng đấu giá nhà là bà Loan mới được đảm bảo.
Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến (Phó Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Thứ nhất, hợp đồng mua bán nhà giữa phía bà H. và bà K. đã có hiệu lực, thể hiện qua việc bà K. đã được cấp giấy tờ nhà. Tranh chấp về việc bà K. chưa trả đủ tiền mua nhà cho bà H. là tranh chấp về số tiền mua nhà chứ không phải tranh chấp về tài sản chung là căn nhà. Thứ hai, bà H. khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà với bà K. thì TAND quận 1 mới chỉ thụ lý đơn chứ chưa tuyên án.
Từ đó, TS Tiến cho rằng tranh chấp giữa bà H. và bà K. không phải là tranh chấp về tài sản chung (Điều 74 Luật THADS) nên không ảnh hưởng đến việc giao nhà cho người trúng đấu giá. Cục THADS TP.HCM viện dẫn điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS để hướng dẫn cấp dưới hoãn THA là chưa ổn.
“Theo tôi, tốt nhất là Tổng cục THADS nên có hướng dẫn cụ thể về mặt nghiệp vụ để các đơn vị hiểu đúng về “tài sản kê biên có tranh chấp”, từ đó áp dụng thống nhất, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các đương sự” - TS Tiến nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ Cục THADS TP.HCM để thông tin tới bạn đọc.
Một số quy định liên quan hoãn THA 1. Thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định hoãn THA trong trường hợp sau đây: d) Tài sản để THA đã được tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của luật này; tài sản được kê biên theo Điều 90 của luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm. (Theo điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS) Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá 2. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THA dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế THA để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác. (Theo khoản 2 Điều 48 Luật THADS) |
Tác giả:
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM