Đa số doanh nghiệp có tổng tài sản lớn đều niêm yết trên sàn HOSE, với những cái tên như Vingroup (VIC), Novaland (NVL), Tập đoàn FLC (FLC) hay Kinh Bắc (KBC)…
Những doanh nghiệp này cũng được ghi nhận có tài sản tăng mạnh trong năm 2016.
Chẳng hạn, Vingroup có tài sản đã tăng 24% (xấp xỉ 35.000 tỷ đồng); Novaland tài sản tăng hơn 10.000 tỷ, tương đương 37%; FLC tài sản tăng gần gấp đôi, đạt ngưỡng 17.790 tỷ đồng.
Đáng chú ý, 10 doanh nghiệp niêm yết có tổng tài sản lớn nhất hiện nay chiếm tới 80% tổng tài sản của ngành bất động sản trên sàn chứng khoán. Trong đó, riêng tài sản của Vingroup đã chiếm gần 50% tổng tài sản toàn ngành.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, có thể thấy thị trường này năm 2016 sôi động hơn rất nhiều so với năm trước.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp này đã thu về tổng cộng 102.738 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ. So với năm 2015, tổng doanh thu nhóm này đã tăng hơn 56%, với giá trị tuyệt đối đạt hơn 36.000 tỷ đồng.
Vingroup, Novaland, FLC , Khang Điền (KDH) và Nam Long (NLG) là 5 doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu trong năm 2016.
Chỉ riêng Vingroup đã chiếm tới 57% doanh thu toàn nhóm bất động sản niêm yết, với 58.598 tỷ đồng năm 2016. Novaland ghi nhận 7.369 tỷ đồng doanh thu, lần lượt xếp sau là FLC với 6.348 tỷ đồng, nhà Khang Điền với 3.859 tỷ đồng và Nam Long với 2.534 tỷ đồng...
Nhóm 10 doanh nghiệp có doanh thu cao nhất năm 2016 cũng chiếm tới 85% tổng doanh thu từ bán hàng và dịch vụ của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, với giá trị tuyệt đối đạt 87.253 tỷ đồng.
Về kết quả lợi nhuận, với 12.499 tỷ đồng lãi trước thuế, top 10 đơn vị có doanh thu lớn nhất này cũng chiếm tới 80% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn khối doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, chỉ riêng lợi nhuận của Vingroup đã tương đương 40% tổng lãi trước thuế của toàn khối.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết năm 2016 là năm ngành này phát triển mạnh nhất kể từ giai đoạn đóng băng khoảng 2010-2013. Tuy nhiên, thị trường chỉ khởi sắc với những doanh nghiệp cỡ vừa và lớn.
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản cỡ nhỏ lại loay hoay với kết quả kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sụt giảm, thậm chí báo lỗ ròng, như Fideco (FDC) lỗ 12 tỷ đồng, trong khi năm 2015 vẫn lãi 60 tỷ; IDJ Investment (IDJ) lỗ ròng 7 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp cỡ nhỏ khác như CTCP Đầu tư PV2 (PV2), Simco Sông Đà (SDA), CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (PXA)... đều báo lỗ ròng trong năm 2016.
Một số doanh nghiệp lại ghi nhận kết quả lãi dương nhưng phần lớn lợi nhuận lại đến từ các chỉ tiêu kinh doanh khác như đầu tư góp vốn, tài chính, chứ không đến từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ bất động sản, như CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL), CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB)..
Tác giả bài viết: Quang Thắng
Nguồn tin: