Cô Lê Thúy Ngọc, giáo viên THPT ở Long An chia sẻ về tình huống làm cô hết sức rối bời. Học sinh của cô, nhiều em đã có người yêu, trong đó có trường hợp có quan hệ tình dục, đi nhà nghỉ.
Cô Ngọc không biết phải ứng xử thế nào trong tình huống này. Có chăng cũng chỉ là những lời nhắc nhở chung chung, dặn dò các em giữ gìn tình cảm trong sáng tuổi học trò. Nói với học trò cụ thể về vấn đề tế nhị này, không biết phải bắt đầu thế nào, nói những gì.
Chuyện tình yêu của học trò ngày nay làm nhiều giáo viên khó xử (Ảnh minh họa) |
Có nhiều người chỉ cách, cô nên gặp các em phân tích về sức khỏe sinh sản, về phòng tránh thai, hậu quả nạo phá thai... Nhưng cô Ngọc băn khoăn, tuổi này các em cực kỳ nhạy cảm, mình đặt vấn đề thẳng thừng như vậy, các em rất dễ phản ứng ngược.
"Mách" bố mẹ chuyện tình yêu của các em, theo quan điểm của cô Ngọc là việc phải cân nhắc. Giáo viên có thể có ý tốt nhưng hậu quả khó lường.
Cô Ngọc đã từng trải nghiệm, có những vấn đề khác của học trò, khi giáo viên trao đổi với bố mẹ, có người phản ứng rất tiêu cực.
"Có người quay sang chửi mắng, đánh đập con cái làm các em vô cùng uất ức, khủng hoảng. Các em gặp cô, nói: Bây giờ cô thỏa lòng rồi phải không?", có em bỏ nhà đi..." cô kể và nhắc mình, nhiều chuyện "méc" phụ huynh là điều tối kỵ.
Bản thân không phải là chuyên gia tâm lý, cô không biết điều gì là nên, điều gì không nên. Với em này, cách này có thể tốt nhưng chưa chắc đã hay. Nên cô đành làm ngơ xem như không hay không biết nhưng băn khoăn, liệu như vậy, mình có đang vô trách nhiệm?
Tình huống, học trò yêu nên làm cách nào thu hút rất nhiều ý kiến của giáo viên |
Không ngại chuyên môn, sợ học trò yêu
Một giáo viên dạy THCS - THPT tại TPHCM kể, trong quá trình đi dạy, cô không còn xa lạ việc học trò yêu sớm từ lớp 6, lớp 7. Cũng không hiếm trường hợp học sinh có bầu, nạo phá thai... Với những trường hợp này, cô thật sự khó xử, rối bời, không biết ứng xử thế nào.
Có trường hợp giáo viên trao đổi lại với phụ huynh về vấn đề của các em. Sau đó, có em bị khủng hoảng, quay sang oán trách cô giáo, trở nên bất cần, chống đối...
Trong lần chia sẻ về nghề giáo ngày nay, một giáo viên tiêu biểu dạy THCS tại TPHCM bày tỏ, khó khăn lớn nhất không phải là vấn đề chuyên môn mà là chuyện... yêu của học trò. Lứa tuổi này, các em bước vào tình yêu, nhiều em yêu rất dữ dội, quan hệ tình dục sớm, bỏ nhà theo người yêu.. rất đau lòng.
Học trò ở TPHCM trong chuyên đề về tình yêu |
Giáo viên can thiệp, để lộ mình biết chuyện có thể đẩy sự việc theo chiều hướng xấu, xem như không biết thì liệu chăng mình có đang "bỏ rơi" các em...
Tình yêu học trò thời nào cũng có. Nhưng hiện nay, đây là một thách thức với gia đình và nhà trường. Tâm lý, tình cảm học sinh phức tạp, thêm môi trường xã hội nhiều cạm bẫy, người lớn đã bước "hụt" trong chuyện tình cảm của học trò.
Người lớn vẫn nặng tâm lý né tránh, cấm đoán hoặc "lên án" chuyện yêu đương hình thành lỗ hổng lớn ở trẻ trong lĩnh vực này.
Từ bé, các em không được chia sẻ, trao đổi về những điều tốt đẹp của tình yêu, hiểu rằng bản chất tình yêu là để mỗi người trở nên hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn; để các em biết chọn bạn mà... yêu, cách thể hiện tình cảm phù hợp, cư xử nhân văn trong quan hệ tình cảm...
Học trò tự quyết định "Tôi thường tổ chức cho học trò trao đổi chủ đề "Tình yêu tuổi học trò, nên hay không nên?". Chia nhóm ủng hộ và phản đối. Học trò tranh biện, phân tích mổ xẻ rất hay. Qua đó, để các bạn tự quyết định, mình không cấm hay đưa ý kiến chủ quan của mình vào", chia sẻ của một giáo viên. |
Trẻ thiếu hiểu biết, cảm nhận những điều tốt đẹp về giá trị của tình yêu, cũng không được trang bị một cách khoa học kỹ năng bảo vệ bản thân, yêu an toàn.
Các em tự mò mẫm mà bơi nên khó tránh được những bước hụt chân, thậm chí có thể chết vì tình. Đến khi các em bước vào sự đã rồi, người lớn mới cuống cuồng đi tìm phương án chữa cháy.
Không ít học trò lao vào tình ái, quan hệ sớm, lệ thuộc vào tình yêu còn là cách trốn chạy khỏi những áp lực học tập, cuộc sống; hoặc các em có những đau đớn, cô đơn, thiếu sự quan tâm từ người thân, bị bạo hành nên đi tìm điểm tựa bên ngoài...
Có những em học trò được đánh giá ngoan, bỏ nhà đi theo bạn trai; có em quan hệ tình dục, mang bầu với những thanh niên chỉ vài lần chát chít trên mạng còn chưa kịp biết tên thật...
Nhiều đứa trẻ yếu đuối, sa ngã chưa hẳn vì cuồng yêu, hư hỏng như nhiều lời phán xét mà bởi những tổn thương, thiếu vắng, cô đơn, áp lực...
Đây là thách thức không chỉ với mỗi gia đình mà với cả giáo dục trong trường học, cần phải thật sự quan tâm đến sức khỏe tâm lý của học sinh.
Tác giả: Lê Đăng Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí