Trong 5 năm làm việc trên cương vị HLV trưởng ĐT Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã đem đến hình ảnh một HLV gần gũi, thân thiết với cầu thủ như cha con. Ông thường có những cử chỉ tình cảm như nắm tay, mát xa cho các học trò hay nhường ghế hạng thương gia cho những cầu thủ bị đau. Không chỉ lúc ban đầu cần tạo dựng mối quan hệ mà đến cả giải đấu cuối cùng trước khi chia tay ĐT Việt Nam, ông thầy người Hàn Quốc vẫn duy trì những hành động quan tâm cầu thủ khiến người hâm mộ yêu mến.
Chia sẻ trong một chương trình ở đài KBS (Hàn Quốc) năm 2019, HLV Park Hang-seo nói rõ hơn về tâm thế của ông khi dành những cử chỉ yêu thương cho các học trò:
"Nhiều người cứ gọi tôi là "bố" rồi khen HLV như cha ruột này kia. Vậy nếu con mình mà bị đau lưng, con mình bị thương, liệu mọi người có thể ngồi yên được hay không ạ? Thực ra tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Cũng có những cầu thủ khác nữa mà, đều có chỗ chấn thương cả. Mới lên máy bay mà đã nhường chỗ ngay thì các cầu thủ đều sẽ nhìn thấy. Nên tôi chờ 1 tiếng sau khi tất cả đã ngủ hết, lúc đó tôi mới nhường chỗ cho đứa bị thương. Tôi bảo, "mau lên chỗ thầy đi", cháu nó lại không chịu. Nên tôi phải ép lên bằng được.
Với ai đó, có thể là một câu chuyện cảm động, nhưng tôi thấy chỉ là chuyện bình thường thôi, là ai cũng sẽ làm vậy. Không chỉ mình tôi mà nhiều HLV khác cũng đối xử với học trò mình như thế. Tôi không nghĩ đó là điều gì đặc biệt cả".
HLV Park Hang-seo kể chuyện nhường ghế hạng thương gia cho cầu thủ (Ảnh: KBS) |
Về các hành động tiếp xúc gần gũi cùng cầu thủ, ông Park lý giải vì không thể nói được tiếng Việt, giao tiếp phải truyền đạt gián tiếp qua phiên dịch nên mỗi sáng thức dậy, ông sẽ bắt tay hoặc nắm tay cầu thủ. Đó là cách HLV Park Hang-seo nắm bắt tình trạng hiện tại của cầu thủ qua phản ứng và ánh mắt khi nắm tay nhau. Nếu tâm trạng cầu thủ không tốt, ông sẽ bắt tay nhanh, ai tâm trạng tốt ông sẽ nắm tay lâu hơn. Nắm tay là cách tốt nhất giúp ông biểu hiện lòng mình khi không thể nói ra bằng lời.
Chiến lược gia người Hàn Quốc chia sẻ thêm về cách ông thúc đẩy từng cầu thủ Việt Nam cố gắng khắc phục điểm yếu.
"Tới Việt Nam tôi mới nhận ra hồi ở Hàn Quốc, mình làm trợ lý rất không ổn. Bởi vì ở Hàn, tôi có thể nói chuyện dễ dàng. Chúng ta rất hay nói về điểm mạnh và điểm yếu của nhau. Kiểu như cậu rất giỏi nhưng mà thế này thế kia sẽ tốt hơn. Mình thường nói rất chi tiết về điểm yếu của ai đó. Nhưng qua đây, nếu chờ phiên dịch dịch hết thì rất là mất thời gian. Và mấy đứa nhỏ đều qua đào tạo hết rồi, không phải kiểu cần học từ cơ bản nên không cần phải giáo huấn hay dạy dỗ gì hết. Tôi chẳng bao giờ nói cái gì phức tạp cả, thường chỉ đơn giản là "Đá tốt lắm"", ông Park nói.
"Còn về điểm yếu, giả sử trong đội thì có một cầu thủ chân trái đá hơi yếu, tôi mới khen "con đá chân trái giỏi nhỉ". Thằng bé bảo "dạ đâu ạ, đá dở lắm". Vì người Việt Nam có lòng tự trọng rất cao nên tôi mới gọi riêng ra rồi khen kiểu "con đá chân trái còn giỏi hơn cậu này cơ". Tôi ví dụ như vậy thôi, thế là tự nhiên sáng hôm sau thấy thằng cu đó đang tập luyện, tôi lặng lẽ quan sát, rồi hướng dẫn riêng cho thằng bé. Mấy đứa khác mới kiểu, ôi được HLV dạy riêng cho kìa. Thế là tôi cứ tiến hành khen từng đứa như vậy".
Tác giả: PH
Nguồn tin: thethaovanhoa.vn