Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII (UBKTTW) đã qua 18 kỳ họp, tiến hành kỷ luật, đề nghị Ban bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Vụ việc Trịnh Xuân Thanh
Tháng 7/2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Trịnh Xuân Thanh - lúc này là Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (nhiệm kỳ 2011-2016).
Vụ việc kiểm tra này xuất phát ban đầu là cán bộ không gương mẫu, sử dụng xe công vượt quá tiêu chuẩn quy định đối với chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh. Cụ thể, Trịnh Xuân Thanh sử dụng chiếc xe ôtô Lexus trị giá hơn năm tỷ đồng gắn biển xanh trái quy định.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, từ năm 2007 - 2013, trên các cương vị là Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Trịnh Xuân Thanh và ban lãnh đạo Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013)...
Trịnh Xuân Thanh thời kỳ làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV |
Hai tháng sau, UBKTTW đề nghị Ban bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với Trịnh Xuân Thanh. Ban bí thư bỏ phiếu kín đồng ý với đề nghị này.
Ngoài ra, từ việc Trịnh Xuân Thanh được tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng có nhiều yếu tố bất thường, cơ quan kiểm tra đã nhìn ra những khuất tất trong công tác cán bộ và thi đua khen thưởng.
UBKTTW tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, kiểm tra và tiến hành kiểm điểm tại Ban Tổ chức Trung ương. Qua đó, cơ quan chức năng đã xác định ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Trần Lưu Hải - nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương; ông Huỳnh Minh Chắc - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hậu Giang và một số thứ trưởng Bộ Công thương, Bộ Nội vụ… đã có vi phạm liên quan đến đường thăng tiến, khen thưởng của Trịnh Xuân Thanh; các vi phạm, khuyết điểm đó đều đến mức phải kỷ luật hoặc kiểm điểm nghiêm túc.
Vi phạm của lãnh đạo Bộ Công Thương
Ngoài vi phạm liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, cơ quan có thẩm quyền còn xác định ông Vũ Huy Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam; quyết định điều động và đề cử ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sabeco; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm...
Tháng 11/2016, Ban bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Tháng 1/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương của ông này.
Ông Vũ Huy Hoàng đã bị xoá tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ảnh: CTV |
Sau khi ông Vũ Huy Hoàng nhận kỷ luật, một lãnh đạo đương nhiệm của ngành Công Thương là thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được xác định có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp; kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ...
Bà Thoa đã bị cảnh cáo và miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng từ ngày 16/8.
Kỷ luật cán bộ sau sự cố môi trường Formosa
Đối với các vi phạm liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, Ban bí thư đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016; cảnh cáo ông Nguyễn Minh Quang; cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai, nguyên thứ trưởng...
Cấp có thẩm quyền cũng cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Võ Kim Cự (gồm cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh theo quy định).
Ông Võ Kim Cự đã nghỉ hưu từ đầu tháng 10/2017. Ảnh: QH |
Kỷ luật Uỷ viên Bộ chính trị Đinh La Thăng
Liên quan đến các vi phạm tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật bằng các hình thức: Cách chức Bí thư Đảng ủy PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Phùng Đình Thực; cách chức Phó bí thư Đảng ủy Tập đoàn đối với ông Đỗ Văn Hậu; khai trừ ra khỏi Đảng Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN; cảnh cáo ông Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, nguyên Phó Tổng Giám đốc.
Theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Chính trị, ngày 7/5, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết trên 90%.
Ông Đinh La Thăng bị thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị và hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: QH |
Cảnh cáo Chủ tịch Đà Nẵng và đề nghị kỷ luật Bí thư Thành ủy
Tại kỳ họp mới nhất của UBKTTW ngày 29/9, cơ quan này đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Huỳnh Đức Thơ - Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và ông Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND) theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bị đề nghị kỷ luật. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Theo cơ quan kiểm tra, với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính và ông Huỳnh Đức Thơ cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ông Nguyễn Xuân Anh được cho đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền... "Những việc làm của ông Xuân Anh đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy", Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu.
Ông Huỳnh Đức Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị...
Nhiều cán bộ khác bị kỷ luật
Trong danh sách tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đã bị kỷ luật còn có nhiều cán bộ, cựu cán bộ của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong đó ông Nguyễn Phong Quang bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng, bao gồm cách chức Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (giai đoạn 2011-2016); cách chức Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Trong số các vi phạm, khuyết điểm của ông Quang có việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để cấp dưới làm trái các quy định về quản lý tài chính, tài sản; để ngoài sổ sách kế toán số tiền trên một trăm tỷ đồng; lập chứng từ khống để rút ngân sách nhà nước và tiền tài trợ, gây thất thoát nghiêm trọng tiền, tài sản của Nhà nước.
Ông Dương Anh Điền - nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, và một số cán bộ khác nhận kỷ luật vì có vi phạm, khuyết điểm liên quan đến dự án nhạc nước dở dang, gây dư luận xấu.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bị cảnh cáo vì trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, đã tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật phòng chống tham nhũng...
Được xác định có trách nhiệm trong việc bổ nhiệm cán bộ không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn và không đúng quy định, ông Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015 bị cảnh cáo.
Sau khi nhận quyết định kỷ luật và về làm Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Đinh La Thăng đã phát biểu: "Quyết định thi hành kỷ luật đối với tôi là có lý, có tình... Tôi xin gửi lời xin lỗi đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố". Liên quan đến việc thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cá nhân, cơ quan kiểm tra cho hay, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và các cá nhân được kiểm tra thống nhất với kết luận của UBKTTW, cho rằng việc kiểm tra của UBKTTW đối với Đà Nẵng là đúng đắn, kịp thời; những vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra là bài học sâu sắc cho công tác xây dựng Đảng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền Thành phố. |
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: Báo VnExpress