Trong nước

Hà Nội: Bé trai 4 tuổi bỏng nước sôi nguy kịch sau khi đắp lá chữa

Một bé trai 4 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội bị bỏng nước sôi nhưng ông bà đưa đến thầy lang đắp lá điều trị dẫn đến hậu quả nặng nề.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận và sơ cứu cho bé Nguyễn Văn Đức, 4 tuổi, ở Mỹ Đức, trong tình trạng sức khỏe xấu vì đắp lá chữa bỏng.

Được biết, bố mẹ bé Đức đi làm ăn xa nên gửi con cho ông bà trông nôm. Khi Đức bị bỏng nước sôi, ông bà cháu không đưa cháu đi bệnh viện mà nghe theo thầy lang chữa bỏng bằng cách đắp lá lên vết bỏng. Chỉ đến khi cháu xuất hiện một số triệu chứng bất thường ở vết bỏng và đi ngoài phân đen thì gia đình mới hốt hoảng đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu.

BSCKI. Đỗ Hữu Nghị, trực cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết cháu Đức chuyến đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bỏng phần nửa dưới lưng, mông phải, đùi, cẳng chân phải. Đặc biệt, ở vùng da đắp lá đã có dấu hiệu biến chứng viêm, loét, hoại tử. Do bệnh nhân đến muộn nên các bác sĩ chỉ tiến hành sơ cứu sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên tiếp tục điều trị.

Thực tế, những ca bệnh bị biến chứng do chữa bỏng phản khoa học không phải là hiếm gặp. Ths.BS Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết trong quá trình điều trị, ông đã gặp không ít trường hợp tương tự như trên.

Vết bỏng ở chân bệnh nhi bị hoại tử do dùng lá thuốc đắp lên.

Bệnh nhân Nguyễn Đức T. (xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên) đến viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu rất nguy kịch. Trước đó, anh T. bị bỏng nhiệt 70%, được người nhà đưa đến điều trị ở thầy lang gần nhà. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân T. mê man, nói lảm nhảm, các vết thương mưng mủ, khi đó gia đình mới đưa đến viện Xanh Pôn cấp cứu. Theo bác sĩ Thống, bệnh nhân đã bị biến chứng rất nặng do điều trị không đúng cách.

Từ những trường hợp trên BS Thống nhận định, hiện nhiều người dân còn thiếu kiến thức về cách sơ cứu bỏng. Nhiều trường hợp được đưa đến bệnh viện đã ở trong tình trạng rất nguy kịch. Có trường hợp trẻ bị bỏng nước sôi, gia đình lấy nước đá đắp vào vết bỏng để hạ nhiệt, hậu quả là trẻ bị tê bì các nút dây thần kinh và bỏng lạnh.

Ở các vùng nông thôn, khi trẻ bị bỏng, phụ huynh thường đưa trẻ đến các thầy lang để chữa trị bằng thuốc Nam hoặc tự ý chữa mẹo bằng các bài thuốc truyền miệng trong dân gian. Trong khi đó, việc điều trị không đúng cách sẽ hết sức nguy hại vì sẽ khiến vết thương bỏng trở nên nặng hơn, gây tai biến, để lại di chứng nặng nề.

“Khi trẻ bị bỏng, dù cho nguyên nhân là gì cũng không nên bôi bất kỳ loại thuốc nào lên vết bỏng của nạn nhân, mà cần sơ cứu đúng cách, sau đó chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và can thiệp kịp thời”, BS Thống nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, Ths.BS Ngô Anh Vinh (Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, khi trẻ bị bỏng, tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương.

“Sau khi sơ cứu vết thương do bỏng, cần nhanh chóng bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách: dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm”, BS Vinh khuyến cáo.

Xử trí ban đầu do bỏng nước sôi ở trẻ em

– Nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch. Động thái này nhằm mục đích: giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

Nếu không, có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần. Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Đây là biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.

– Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Nếu có thuốc xịt bỏng thì nhanh chóng xịt cho trẻ.

– Sau đó bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách: dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm.

– Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn làm cho vết bỏng nặng hơn.

– Động viên, trấn an bé, nếu trẻ đau nhiều thì dùng thuốc giảm đau (paracetamol).

– Nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.

– Nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề.

– Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí và đánh giá tổn thương của bỏng.

Ths.BS Ngô Anh Vinh

* Tên bệnh nhi đã được thay đổi

Tác giả bài viết: Lê Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP