Kinh tế

Gương thương binh làm kinh tế giỏi ở Tân Kỳ

Không trông chờ, ỷ lại vào chính sách, với phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", không ngại gian khó, nhiều thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Họ trở thành những tấm gương tiêu biểu và có nhiều đóng góp cho sự phát triển KTXH của địa phương. CCB Nguyễn Trọng Nhinh - TB4/4 ở xóm Thuận Hòa, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ là một điển hình như thế.

Sau những năm tháng rèn luyện, chiến đấu trên chiến trường miền Nam, năm 1978, CCB Nguyễn Trọng Nhinh- TB 4/4 được xuất ngũ trở về quê hương. Để giúp gia đình vượt qua khó khăn, ông đã tìm tòi, sáng tạo trong làm kinh tế, từ xây lò làm gạch ngói, đến vận chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng.. Đồng thời, xây dựng mô hình VAC, đào ao thả cá, chăn nuôi bò, lợn.
images1303409 nh 3
Ao cá vừa là nguồn cung cấp thực phẩm cho gia đình, vừa đem lại nguồn thu nhập không hề nhỏ

Đặc biệt, ông là người đi tiên phong trong việc ứng dụng đệm lót sinh học để chăn nuôi lợn ở xã Nghĩa Hoàn. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, điều đáng nói của mô hình là khả năng xử lý tốt mùi hôi từ chất thải, không gây ô nhiễm môi trường.
images1303407 nh 2
Mô hình đệm lót sinh học của CCB Nguyễn Trọng Nhinh tăng hiệu quả kinh tế, không gây ô nhiễm môi trường

CCB Nguyễn Trọng Nhinh chia sẻ: Việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi rất có nhiều lợi ích, lợn con nuôi trên đệm lót sẽ khỏe mạnh, đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt, giảm tồn dư kháng sinh. Đặc biệt, làm tiêu phân do đó mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt không ô nhiễm. Hơn nữa, không cần thay phân và rửa chuồng trong quá trình nuôi do đó giảm nhân công, lượng nước và lượng điện dùng..

Bằng cách ứng dụng đệm lót sinh học, chi phí cho mỗi con lợn đã giảm khoảng 400 nghìn đồng. Lứa lợn đầu tiên khi áp dụng mô hình khiến gia đình ông rất phấn khởi vì xử lý được vấn đề quan trọng nhất là chất thải và giảm công quét dọn. Bình quân, mỗi năm ông xuất bán 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa 30 con. Tính ra, từ 9-10 tấn lợn thịt, ông thu về không dưới 700 triệu đồng/năm. Thấy được hiệu quả từ mô hình này, ông đã chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm giúp anh em hội viên cùng làm.

images1303408 nh 4
CCB Nguyễn Trọng Nhinh chia sẻ kinh nghiệm với anh em đồng đội trước khu vực trang trại đang được mở rộng của gia đình

Ông Nguyễn Trọng Cận- Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Hoàn cho biết: đồng chí Nhinh đã đi đầu trong ứng dụng KHKT vào chăn nuôi, chúng tôi đang phát động hội viên làm theo... Từ khi, đồng chí triển khai mô hình, kết quả thực hiện cho thấy, mô hình không chỉ giúp giảm được công việc nặng nhọc trong vệ sinh chuồng trại, chi phí chung ít, thu nhập tăng mà đặc biệt còn chấm dứt được việc xả chất thải ra môi trường, giảm ô nhiễm, nhất là đối với mô hình chăn nuôi ở khu đông dân cư. Trong thời gian tới, Hội CCB xã sẽ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các hội viên để anh em cùng thực hiện.

Cùng với mở rộng quy mô chăn nuôi, CCB Nguyễn Trọng Nhinh còn rất năng động, táo bạo đổi mới cung cách làm ăn. Nhận thấy vật liệu không nung là sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiện liệu, ông đã cùng với 2 hội viên khác đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị để sản xuất gạch không nung. Đây là một hướng làm ăn táo bạo mà không phải ai cũng dám làm bởi nguồn vốn đầu tư quá lớn.

images1303410 Tham quan xuong san xuat
Tham quan xưởng sản xuất gạch không nung của ông Nhinh và đồng đội

Ông Nhinh cho rằng việc mở xưởng sản xuất gạch không nung là nhằm đón đầu xu hướng sử dụng vật liệu sạch theo Quyết định 567 của Chính phủ về chương trình phát triển gạch không nung để thay thế gạch đất sét nung nhằm tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu...
images1303411 nh 4 1
Xưởng sản xuất gạch không nung với trang thiết bị hiện đại trị giá 2 tỷ đồng

Mặc dù, bước đầu, ông đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm vì thực tế sản phẩm gạch không nung vẫn chưa tìm được chỗ đứng, chưa được các chủ đầu tư công trình và người tiêu dùng sử dụng rộng rãi; có thể do tâm lý và thói quen nhiều năm nay họ thường sử dụng gạch nung truyền thống. Tuy nhiên, ông Nhinh vẫn hy vọng trong tương lai, dự án đầu tư tâm huyết này của ông và đồng đội sẽ thành công.
images1303413 nh 2 1
Ông Nhinh đang xem xét chất lượng sản phẩm
images1303414 nh 1 1
Gạch không nung là sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiện liệu

Ông Đoàn Quang Trung- Phó chủ tịch Hội CCB huyện Tân Kỳ đánh giá: Là hội đặc thù, các hội viên đã từng trải qua những năm tháng gian khó chiến tranh, vì vậy khi trở về với cuộc sống đời thường, mỗi CCB đều mang trong mình ý trí quyết tâm, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp, mà trong đó làm giàu chính đáng là một trong những mục tiêu lớn để góp phần xây dựng quê hương. Nổi bật trong các mô hình kinh tế của hội CCB Tân Kỳ có mô hình của đồng chí Nguyễn Trọng Nhinh. Đây là một đồng chí rất táo bạo trong làm ăn kinh tế. Nhờ ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, đồng chí Nhinh hiện là một trong số những hội viên CCB tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã Nghĩa Hoàn, làm tấm gương cho những hội viên khác học tập, noi theo.

Dũng cảm trong thời chiến, sáng tạo trong thời bình, CCB Nguyễn Trọng Nhinh thật sự là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần của người thương binh “tàn nhưng không phế”, biết nắm bắt những cơ hội trong thời kỳ đổi mới để làm giàu chính đáng. Góp phần xây dựng cho gia đình và quê hương ngày càng phát triển.

Tác giả bài viết: Hiến Chương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP