Cuộc sống

Góc khuất của nghề làm chủ rể hờ

Đang đón dâu long trọng, vài phụ nữ xông vào liên tục nói: "Đám cưới giả" khiến màn chuẩn bị công phu của anh Tú sụp đổ trong tích tắc.

Gần 4 năm cộng tác cho dịch vụ đám cưới giả, anh Lê Anh Tú (33 tuổi, ở Lê Duẩn, Hà Nội) xem đây như một nghề tay trái, bên cạnh việc quản lý nhà hàng của gia đình. Tú cao 1m75, ngoại hình ưa nhìn, đặc biệt trông rất lành. Có lẽ vì thế anh thường được giao trọng trách trong các đám cưới có độ khó cao.

"Tôi là người giàu kinh nghiệm, nhưng không hẳn đóng vai chú rể nhiều, mới chỉ 7-8 đám thôi, còn lại là đóng các vai khác như bạn thân, anh họ, anh trai, kể cả chú, cậu... của chú rể, tùy vào từng kịch bản", anh Tú tiết lộ.

Trung bình mỗi tháng anh Tú tham gia 2-3 đám. Trong quá trình làm nghề, chàng trai Hà Nội từng phải ứng phó với nhiều tình huống dở khóc, dở cười.

Có lần đám cưới đã lên hết kế hoạch, tập dượt kịch bản nhưng đến lúc dạm ngõ thì bại lộ. Bố cô dâu người Vĩnh Phúc rất khó tính. Không chỉ hỏi rất nhiều, ông còn bắt đôi trẻ phải đăng ký kết hôn rồi mới cưới. Lúc đó, ekip buộc phải nói thật.

Cô dâu và chú rể giả cũng chụp ảnh cưới như bao đôi tân hôn khác. Ảnh: Nguyễn Xuân Thiện.

Lại có lần khác, đám cưới đang tổ chức thì buộc phải dừng vì bị phá đám. Cô dâu mang bầu với người đàn ông không còn sống với vợ (nhưng chưa ly dị) nên không thể làm đám cưới với anh này mà phải thuê chú rể giả. Giữa lễ đón dâu, cô vợ của người đàn ông nọ đến hội trường làm um lên, vậy là gia đình nhà gái phải xin lỗi quan khách và hủy tiệc giữa chừng.

"Một vài trường hợp thất bại đều có nguyên nhân từ phía cô dâu hay nhà gái", anh Tú cho biết.

Có kinh nghiệm làm chú rể giả tới 20 lần, cùng vô số lần đóng các vai phụ, Tuấn Kiệt, kỹ sư điện, 28 tuổi, cho biết gắn bó với công việc này không chỉ vì tiền, mà anh còn thấy có ý nghĩa. Hầu hết các "cô dâu" của Kiệt đều là người mang bầu.

Chàng trai quê Hà Nam kể, hai tháng trước anh làm "chú rể" cho một cô gái là kế toán trưởng trong một công ty nước ngoài. Cô gái này tuy thu nhập rất khá, thông thạo ngoại ngữ, nhưng lại không có bằng cấp do trước đây đi xuất khẩu lao động.

Hơn một năm trước, cô tình cờ quen với chàng tiến sĩ người miền Nam. Họ yêu nhau nhưng khi về ra mắt thì bị nhà trai phản đối. Chàng trai không dám cãi lời cha mẹ, nên đã rũ bỏ cô để cưới một cô gái môn đăng hộ đối. "Anh ta đưa cho cô vài triệu, nói đi phá thai và mong không liên lạc nữa. Cô gái ấy không muốn bỏ con nên mới làm đám cưới giả che giấu", Kiệt kể.

Hợp đồng đã kết thúc nhưng Kiệt vẫn giữ liên lạc với thân chủ. Hiện tại cô đang mang bầu tháng thứ 6, hay bị chuột rút và tâm trang u uất. "Tôi thường xuyên gọi điện vì sợ không chia sẻ được với ai, cô ấy sẽ buồn phiền không tốt cho thai nhi và có thể gây ra các hội chứng sau sinh nữa", Kiệt tâm sự.

Có đám cưới lại khiến cả nhà trai hờ phải nghẹn lòng. Như mới đây, Kiệt làm chú rể cho cô dâu ở Đăk Lăk mang bầu 5 tháng, bố của bé vừa mất vì tai nạn giao thông. Không muốn con gái bị xóm giềng dè bỉu nên bố mẹ cô dâu đã đứng ra tổ chức đám cưới giả với gói 16 triệu đồng.

"Ngày cưới, cô dâu và bố mẹ khóc nhiều lắm khiến cả đoàn nhà trai (giả) cũng sướt mướt theo", Kiệt nhớ lại.

Những người đóng vai bố mẹ chú rể, người đại diện nhà trai thường là công chức về hưu, có trình độ, có tài ăn nói. Ảnh: Nguyễn Xuân Thiện.

Theo anh Lê Anh Tú, cũng như bất kỳ đám cưới thật nào, đám cưới giả cũng có các lễ gặp mặt hai bên gia đình, dạm ngõ, ăn hỏi và cưới. Trước đó, cô dâu sẽ buổi làm việc với ekip, chia sẻ về những đặc thù của gia đình, đặc biệt là những ai khó tính để có cách ứng phó. Kịch bản phải tập duyệt vài lần mới áp dụng.

Sau cưới, chú rể giả sẽ có mặt bên cô dâu tất cả những thời điểm lễ Tết, ma chay, hiếu hỷ, khi sinh nở... nếu được nhờ. Như anh Tú, năm ngoái đóng vai một chú rể cho cô dâu quê Bắc Giang. Sau đám cưới hơn 2 tháng thì bố cô gái qua đời, anh vẫn về chịu tang 3 ngày.

Ông Nguyễn Xuân Thiện - Giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ này ở Hà Nội và HCM - cho biết để đảm bảo tính bảo mật cho công việc, tất cả những người tham gia không được dùng mạng xã hội. Khi đã làm đám cưới ở huyện, tỉnh này thì sẽ không lặp lại nữa. Ekip còn lưu ý đến cả yếu tố nghề nghiệp của cô dâu và gia đình cô dâu để giảm thiểu tối đa chạm mặt người quen.

Không chỉ chú rể, mà "diễn viên" phụ trong các đám cưới giả cũng có nhiều lý do để gắn bó với thân chủ của mình. Bà Hiền, 56 tuổi, ở Nam Định có thâm niên 7 năm, số lượng đám cưới từng làm lên đến cả trăm. Vốn là giáo viên dạy Hóa cấp 3, có nhiều kinh nghiệm ăn nói nên bà thường giữ vai mẹ chồng. Sau các đám cưới, bà vẫn là "mẹ chồng tốt bụng", thường xuyên gọi điện hỏi thăm, gặp gỡ thông gia nếu "con dâu" nhờ vả. Đặc biệt, khi con dâu hờ sinh nở, bà sẽ đến chăm sóc vài ngày. Nhiều trường hợp sinh nhật một, hai tuổi của cháu bà vẫn tham gia.

"Khi bắt đầu công việc này tôi cũng thấy ngại nhưng giờ thì tôi vui vì thấy việc của mình giúp được nhiều cô gái khó khăn không nỡ bỏ đi cái thai vô tội. Các cô dâu giờ thành con gái nuôi của tôi nhiều lắm", bà cười kể.

Tác giả bài viết: Bảo Nhiên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP