Giáo dục

Giữ học sinh miền núi bằng mô hình "bán trú dân nuôi"

Những năm qua, nhờ phát huy hiệu quả các mô hình bán trú dân nuôi đã góp phần quan trọng, giúp con em đồng bào các dân tộc ở vùng khó khăn trên địa bàn huyện Tương Dương ổn định cuộc sống, sinh hoạt để yên tâm học tập. Từ đó, tình trạng bỏ học giữa chừng của các em học sinh ở đây đã giảm hẳn.

Trường mầm non Mai Sơn có tổng số 169 học sinh theo học tại 5 điểm trường, trong đó có 4 điểm bản lẻ và 1 điểm trường chính. Đa số là con em đồng bào, thuộc diện hộ đói nghèo nên khẩu phần ăn của các cháu còn sơ sài. Bữa cơm trưa thường là do bố mẹ chuẩn bị từ sáng sớm và thường chỉ có cơm không hoặc ngô...

Bữa trưa cho trẻ được cha mẹ chuẩn bị từ sáng chỉ có cơm không và một ít đậu luộc

Để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp rau xanh, tiền hỗ trợ dành để mua thực phẩm, cùng tham gia nấu ăn, chăm sóc trẻ tại trường. Theo đó, 100% phụ huynh đều tham gia, mỗi gia đình đến điểm trường nấu một ngày. Việc các con được ăn, ngủ tại trường giúp người dân yên tâm sản xuất, chiều đến đón các con, mọi người thấy yên tâm rất nhiều.

Chị Già Y Dìa đang chuẩn bị bữa trưa cho trẻ tại điểm trường mầm non Piêng Coọc

Tại điểm trường mầm non bản Piêng Coọc, chúng tôi gặp chị Già Y Dìa đang nấu canh chuẩn bị bữa trưa cho các cháu, chị nói: “Tôi tham gia được hai năm rồi, tuy nhà neo người lại rất bận rộn với công việc nương rẫy nhưng khi đến phiên gia đình thì tôi thu xếp công việc để tham gia. Từ khi có chủ trương bán trú dân nuôi, các em học sinh rất thuận lợi, đến trường được ăn ngon, các cháu không phải đi rẫy nữa, không như trước đây bố mẹ đi rẫy cũng phải đi theo bố mẹ cả ngày. Chúng tôi thấy chủ trương này rất hiệu quả”

Tổ chức ăn bán trú, trẻ được ăn ngon, đầy đủ chất hơn.

Bán trú dân nuôi cũng là cách làm đang được trường Tiểu học Mai Sơn áp dụng và đem lại kết quả khá tốt. Đặc biệt, từ năm 2015, khi dự án Seqap kết thúc, nhà trường chuyển sang hình thức bán trú dân nuôi. Song, vì quá khó khăn nên hiện nay trường chỉ mới tổ chức ăn bán trú tại điểm trường chính. Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng trường Tiểu học Mai Sơn cho biết vì đây không phải là trường bán trú nên trường vận động nhân dân thực hiện chủ trương bán trú dân nuôi, để đảm bảo thời gian 2 buổi trong ngày. Quá trình thực hiện, giáo viên hầu như tự nguyện để chăm sóc các em ăn nghỉ buổi trưa và có thêm sự hỗ trợ của hội phụ huynh.

Việc tổ chức ăn bán trú ở bậc Tiểu học hầu hết mới chỉ được thực hiện tại các điểm trường chính

"Mong muốn được cấp trên quan tâm hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là các bàn bán trú của học sinh để sắp tới nhà trường có thể nhân rộng ra được tất cả các điểm trường khác, có bàn sẽ phục vụ ăn bán trú của học sinh tốt hơn"- Thầy giáo Đào Xuân Hải bày tỏ.

Bữa ăn của các em đã có thịt, có canh..do chính tay các phụ huynh thực hiện

Bố mẹ phải đi làm rẫy cả ngày, trưa không ai nấu cho em ăn... Nên em thích được đi học, buổi trưa được ở lại trường được ăn rất là ngon, ăn xong ngủ dậy buổi chiều ở lại học bài luôn”- em Kha Đình Hợi, học sinh lớp 5A, ở bản Huồi Tố 2 cho biết:

Không khí ăn uống tại nhà ăn của trường rất náo nhiệt.

Tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh là một trong những hoạt động phụ trợ, thiết yếu giúp cho công tác dạy học 2 buổi có hiệu quả. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường vận động phụ huynh đứng ra tổ chức nấu thức ăn cho học sinh, cơm hàng ngày của các cháu do phụ huynh chuẩn bị buổi sáng ở nhà. Đến nay, toàn huyện có 100% trường mầm non tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ mầm non được ăn bán trú 89,3% và ăn xế đạt 100%; Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở thể thấp còi giảm 0,4% so với năm học trước.Ngoài ra, còn có 18 điểm trường của 9/25 trường Tiểu học trong toàn huyện cũng đã tổ chức được mô hình này.

Toàn huyện hiện có 100% trường mầm non tổ chức ăn bán trú cho học sinh.

Khi nhân rộng mô hình này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, đó là chế độ dành cho học sinh bán trú thì không có bởi trường không phải là trường bán trú. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra các giải pháp, đó là chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, trình với chính quyền địa phương và ban đại diện cha mẹ học sinh. Giải pháp nữa đó là làm tốt công tác XHHGD, huy động từ các nhà hảo tâm, từ các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Nhưng quan trọng nhất, đó là huy động được người dân cùng tham gia vào các hoạt động như là tổ chức nấu ăn cho học sinh, nấu cơm, nấu canh, nấu thức ăn, tổ chức trực trưa cùng với giáo viên, trồng rau cải thiện bữa ăn cho học sinh - Bà Võ Thị Tuyết Chinh - Phó phòng GD &ĐT huyện Tương Dương trao đổi./.

Tác giả: Hiến Chương

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP