Xe

Giảm thuế phí, đừng vội mua ô tô, bình tĩnh chờ giảm giá mạnh

Với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, ngoài đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ sắp tới có thể còn được hưởng ưu đãi về thuế giá trị gia tăng và cả thuế tiêu thụ đặc biệt, giá xe sẽ giảm mạnh.

Nhiều ưu đã cho xe lắp ráp

Tại Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho ý kiến, để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong tháng 4 về việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng và các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội; cùng với đó là miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn.

Như vậy, với ngành ô tô, ngoài đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ sắp tới còn có thể được hưởng ưu đãi về thuế giá trị gia tăng và cả thuế tiêu thụ đặc biệt. Trước đó, Bộ Công Thương đã đề xuất miễn giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, còn Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ và thuế giá trị gia tăng cho ô tô.

Chờ giảm thuế phí để được mua ô tô giá rẻ

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, trong vòng hai năm qua, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị không áp dụng thuế này đối với phần giá trị gia tăng tạo ra của ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Bộ Tài chính cũng đã đưa ra đề xuất tương tự, khi đề cập tới việc sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, sản xuất trong nước, để khuyến khích các DN nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm.

Nếu nhận được ưu đãi về thuế, phí, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ có điều kiện giảm giá hơn nữa. Theo tính toán, nếu lệ phí trước bạ ô tô được giảm 50%, đến hết năm 2020 khách hàng mua xe sản xuất, lắp ráp trong nước phân khúc bình dân sẽ tiết kiệm được từ 15-80 triệu đồng và xe sang từ 70-250 triệu đồng, tùy từng sản phẩm khi đi đăng ký.

Nếu ô tô là mặt hàng gặp khó khăn trong tiêu thụ, sẽ được giảm 50% thuế giá trị gia tăng. Với xe sản xuất lắp ráp trong nước phân khúc bình dân sẽ được giảm khoảng từ 15-70 triệu đồng, xe sang được giảm 60-210 triệu đồng.

Nếu được hưởng ưu đãi cả hai loại thuế, phí này khi mua xe sản xuất lắp ráp trong nước đến hết năm 2020, khách hàng có thể tiết kiệm được khoản tiền từ 30-450 triệu đồng, tùy từng sản phẩm.

Giá xe sẽ giảm

Với ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ô tô, tuy đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và dù được Quốc hội thông qua thì cũng khó có thể áp dụng ngay.

Hiện thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô có dung tích xi lanh từ 1.500cm3 trở xuống là 35%, từ 1.500-2.000cm3 là 40%, từ 2.000-2.500cm3 là 50%, từ 2.500-3.000cm3 là 60% và từ 3.000cm3 trở lên là 90-150%.

Xe lắp ráp trong nước sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, phí

Nếu mức thuế suất này được giữ nguyên, theo tính toán một chiếc xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt tỷ lệ nội địa hóa 10% sẽ giảm giá khoảng 5%. Chẳng hạn, một chiếc xe có giá bán 600 triệu đồng sẽ giảm khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 20%, chiếc xe đó sẽ có mức giảm giá 10-12%, tương đương 60-70 triệu đồng. Đạt tỷ lệ nội đại hóa trên 40%, giá ô tô sẽ giảm khoảng 20% và chiếc xe giá 600 triệu đồng sẽ giảm khoảng 120 triệu đồng.

Để áp dụng, trước hết các cơ quan chức năng và DN ô tô phải thống nhất được các tiêu chí đánh giá về tỷ lệ nội địa hóa. Tỷ lệ này phải được công bố với từng mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước và được các cơ quan chức năng chấp nhận. Như vậy sẽ mất thời gian khá dài. Không chỉ các DN ô tô, người tiêu dùng cũng rất mong chờ chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt sớm được áp dụng. Bởi điều đó giúp xe sản xuất lắp ráp trong nước có điều kiện giảm giá, nhiều người có thể được mua ô tô với giá rẻ hơn hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2020 ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ và thêm 50% thuế giá trị gia tăng. Còn ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt chắc vẫn phải chờ đợi.

Việc giảm 50% lệ phí trước bạ và có thể là 50% thuế giá trị gia tăng cũng giúp cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước hưởng lợi, cạnh tranh với xe nhập khẩu, giữ cho doanh số bán không bị suy giảm.

Trên thực tế, năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, Chính phủ đã hỗ trợ ngành ô tô bằng cách giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ. Cùng với đó, các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay mua ô tô xuống, đã giúp doanh số bán ô tô đạt con số 120.000 xe, tăng 6,7% so với 2008, sản xuất không bị rơi vào ngừng trệ.

Hết năm 2020, ưu đãi về lệ phí trước bạ và thuế giá trị gia tăng không còn nữa, thì xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn hy vọng sẽ nhận được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt kéo dài trong thời gian 5 năm. Khi đó, những mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao, sẽ có điều kiện giảm giá mạnh.

Tác giả: Trần Thủy

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP