ĐBQH, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An |
Sáng nay, ngày 24.5, Quốc hội tiếp tục kỳ họp thứ 5, thảo luận về Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) tại Hội trường Quốc hội. Taị buổi thảo luận, các ĐBQH đưa ra nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến việc nên hay không mở rộng hình thức tố cáo.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An không đồng tình với ý kiến không tiếp nhận hình thức tố cáo qua điện thoại.
Dẫn lại thời điểm cách đây 13 năm, ông Cầu cho biết khi đó, Luật PCTN năm 2005 quy định cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại và tố cáo qua mạng thông tin điện tử cùng các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật.
Vị Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói: "Tức là 13 năm rồi Quốc hội đã chấp nhận điều này mà công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Vậy bây giờ tại sao lại bỏ cái này đi, tôi thấy không đúng”.
Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, tố cáo là quyền Hiến định, tạo điều kiện cho công dân tố cáo và cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời đầy đủ.
Đại tá Cầu lấy ví dụ: “Tôi đang ở TP.HCM, nghe tin người thân bị một người nào đó yêu cầu đem một khoản tiền mà không biết địa chỉ cơ quan công an, ngoài số điện thoại. Tôi gọi điện tới cơ quan công an, mong các anh giúp cho cháu. Đối với Công an, đây gọi là tin báo tội phạm. Vậy tại sao chúng ta không làm? Vô lý".
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, nếu bỏ quy định tố cáo qua điện thoại thì sẽ mất một kênh quan trọng. Theo ông Cầu suy nghĩ, để kiểm soát được quyền lực của những quan chức thì kiểm soát nội bộ, đồng thời bên ngoài người dân cũng giám sát được, báo chí cũng giám sát bên ngoài, nên ông Cầu đề nghị Quốc hội giữ nguyên dự thảo.
ĐB Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) cho rằng, nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ rất khó khăn cho công tác xác minh tố cáo |
Phản bác ý kiến của Đại tá Cầu, ĐB Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) nói: “Hình thức tố cáo, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, tôi không phủ nhận việc tiếp nhận các hình thức tố cáo qua các phương tiện như fax, thư điện tử, điện thoại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện quyền tự do dân chủ theo quy định của hiến pháp và pháp luật. Song, trong điều kiện thực tiễn nhiều năm qua, thực hiện Luật Tố cáo hiện hành, chúng ta đã thực hiện tiếp nhận với 2 hình thức tố cáo bằng văn bản và trực tiếp.
Lý giải cho quan điểm trên, ĐB Mão lấy dẫn chứng: “Nhìn dưới 3 góc độ, thứ nhất là về mặt thực tiễn thông qua thực hiện 2 hình thức tố cáo thì số vụ tố cáo, thụ lý giải quyết tố cáo thì đạt tỉ lệ chưa đầy 18% là tố cáo đúng. Việc mở rộng hình thức tố cáo qua các hình thức thông tin điện tử trong điều kiện thời đại công nghệ phát triển như hiện nay cho thấy có sự lợi dụng tự do dân chủ tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải cho công tác xử lý. Phải tập trung, đầu tư nhiều nguồn lực con người và các trang thiết bị cho việc xác minh và có nguy cơ vượt ra tầm kiểm soát của nhà nước. Ảnh hưởng nghiêm trọng, gây hệ lụy tới ANTT an toàn xã hội, hoạt động bình thường của bộ mà nhà nước”
Ông Mão chia sẻ, kinh nghiệm trong 15 năm làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu naị tố cáo của mình: “Chúng tôi thấy rằng, chỉ 1 cú điện thoại mà chúng ta đã phải huy động hết tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan; hoặc chỉ 1 tin nhắn, chúng ta cần phải có thời gian rất dài để xác minh các vấn đề có liên quan tới việc tố cáo đúng hay sai. Cho nên, nó sẽ vô cùng khó khăn, tạo áp lực rất lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực và cơ sơ vật chất, kể cả kinh phí để đảm bảo cho việc xác minh khiếu nại tố cáo”.
Bởi vậy, ĐB Mão đề nghị cần cân nhắc trước khi quyết định. Theo quan điểm của cá nhân ĐB Mão, nên giữ nguyên 2 hình thức tố cáo là bằng văn bản và tố cáo trực tiếp theo luật hiện hành là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.
Tranh luận bảo lưu quan điểm của mình, ĐB Cầu nói: “Tôi bảo lưu quan điểm của mình. Thực ra, chúng ta là công chức nhà nước, nói một cách sòng phẳng, đã ăn lương nhà nước mà tiền lương ấy là dân góp, thuế của dân, thì tất cả các yêu cầu của dân thì ta phải làm, đấy là về mặt nguyên tắc.
Lực lượng CS113 hằng ngày nhận rất nhiều thông tin, nhưng tin nào chính xác, tin nào sai họ lọc được rất nhanh. Chúng ta có công nghệ để chúng ta lọc, chứ không phải là chúng ta thấy tố cáo qua đó khó quá, chúng ta không làm. Nếu thế thì còn nói gì nữa.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tiến bộ như thế mà chúng ta không kế thừa mà giờ lại bỏ đi.
Tôi nghĩ, như vậy, để cho người dân thực hiện quyền được hiến định thực sự. Chứ còn, đừng vì khó khăn của cơ quan nhà nước mà chúng ta chọn việc dễ, còn việc khó ta thôi thì tôi cho là không ổn".
Tác giả: Nam Phong
Nguồn tin: Báo Một Thế Giới