Như báo Pháp luật & Xã hội đã thông tin, trước đó, vào ngày 24/6, gia trại gia đình ông Phan Văn Trinh (SN 1959, trú tại xóm 6, xã Trung Thành, Yên Thành,Nghệ An) phát hiện đàn lợn trên 300 con chết hàng loạt.
Theo ông Trinh, ban đầu, đàn lợn chỉ chết vài ba sau đó ngày nào cũng chết ít nhất 3-4 con, ngày nhiều nhất lên đến hàng chục con. Đến đầu tháng 7, tổng số đàn lợn chết lên đến gần 300 con. Trước tình cảnh này, gia đình ông đang rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
Sau khi xảy ra sự việc, đại diện công ty TNHH Dược Hanvet (có địa chỉ tại Khu công nghiệp Phố Nối A, thị trấn Bần Yên Nhân, Huyện Mỹ Hào, Hưng Yên), đơn vị cung ứng vacxin dịch tả đã có mặt tại nhà ông Trinh. Sau đó, phía Cty đã có hỗ trợ kháng sinh nhằm “cứu” những con còn sốt sót cuối cùng.
Ông Vũ Hồng Quyết, Trưởng khu vực Bắc miền Trung, đại diện Công ty TNHH Dược Hanvet khẳng định: “Sản phẩm vacxin dịch tả tiêm cho đàn lợn của ông Trinh nằm trong số lo 5416 SX: 13/10/2016 và có HSD: 3/10/2018 và đã được đăng kí chất lượng tại Cục thú y. Sản phẩm trước khi tung ra thị trường đều đã được các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng”. Cũng theo ông Quyết thì Cty Hanvet đã sản xuất thuốc thú y trên 30 năm nay nhưng sản xuất vacxin mới khoảng 3 năm nay và chưa từng xảy ra sự cố thế này.
Về việc kết quả lấy mẫu thịt lợn nhiễm bệnh của gia trại ông Trinh dương tính với dịch tả mặc dầu đã tiêm viacxin, ông Quyết cho rằng “có kết quả như vậy là lỗi do người chăn nuôi. Con giống nhập nhiều nơi, nguồn gốc không rõ ràng, dễ ủ bệnh, giai đoạn tiêm phòng không đồng nhất, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi… Thậm chí, thời gian vừa qua, giá lợn quá rẻ khiến người chăn nuôi buông lỏng khâu chăm sóc”.
Các kết quả lấy mẫu xét nghiệm của Cục thú ý và Cơ quan thú y vùng 3 đều dương tính với dịch tả. |
Trao đổi với báo Pháp luật & Xã hội, ông Đặng Khắc Minh – Phó chi cục Thú y Nghệ An cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, chi cục đã cử người phối hợp với cơ quan thú y vùng 3, Cục thú y để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Các kết quả kiểm tra sau đó phát hiện vi - rút gây bệnh dịch tả lợn CSF và Streptococus suis (liên cầu khuẩn lợn)”.
“Theo quyết định số 719/QĐ - TTG ngày 5/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Nhà nước chỉ hỗ trợ các bệnh: Lở mồm long móng, dịch tai xanh và cúm gia cầm. Như vậy, đàn lợn nhà ông Trinh bị dịch tả và không nằm trong danh mục các bệnh được Nhà nước hỗ trợ. Chúng tôi đang hướng dẫn Trạm thú y Yên Thành và ông Trinh viết đơn xin hỗ trợ gửi công ty Hanvet để hỗ trợ phần nào mất mát của gia đình”, ông Minh cho biết thêm.
Được biết, hiện có 2 huyện là Diễn Châu và Yên Thành đang sử dụng vacxin dịch tả của công ty Hanvet từ 2-3 năm nay và mỗi năm các huyện này lấy khoảng 10 ngàn liều.
Nói về chất lượng vacxin, ông Dương Tất Thắng – Giám đốc Cơ quan thú y vùng 3 cho rằng: “Chất lượng vacxin mặc dầu đã được cơ quan chức năng kiểm định nhưng còn tùy thuộc vào kỹ thuật tiêm, bảo quản, vận chuyển hay thời điểm tiêm. Ngoài ra rất nhiều yếu tố khách quan khác khiến cho vacxin không đạt hiệu quả như mong muốn”.
Tác giả: Lê Quyết
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội