Trang thống kê giá trị cầu thủ hàng đầu Transfermarkt bắt đầu tính toán giá trị chuyển nhượng của Công Phượng từ mùa giải 2017, thời điểm cầu thủ sinh năm 1995 trở lại HAGL sau hợp đồng cho mượn ở CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản).
Công Phượng năm 2017 có mức giá 23.000 bảng. Sau hơn 2 năm, giá trị của Công Phượng tăng lên 135.000 bảng, gấp gần 6 lần mức giá ban đầu. Xét theo mức tăng giá trị chuyển nhượng cùng thời điểm của các cầu thủ Việt Nam (không tính các cầu thủ không được định giá từ trước), Công Phượng là cái tên có sự thăng tiến nhanh nhất.
Công Phượng thăng tiến nhanh về giá trị chuyển nhượng. |
Trong 3 năm, Công Phượng đổi CLB 4 lần, từ Mito Hollyhock về HAGL, từ HAGL sang Incheon United, từ Incheon United về HAGL, từ HAGL sang St-Truidense. Quãng thời gian thi đấu liên tục dài nhất cho Công Phượng ở một đội bóng từ lúc lên chơi ở đội 1 là vỏn vẹn 2 năm.
Ở tuyển Việt Nam hiện tại, Công Phượng có giá trị chuyển nhượng cao thứ 3, xếp sau Xuân Trường (180.000 bảng) và Văn Lâm (270.000 bảng). Quang Hải hay Văn Hậu cũng đều được định giá 135.000 bảng giống cầu thủ gốc Đô Lương.
Dễ thấy 3/5 cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất tuyển Việt Nam có điểm chung là đã hoặc đang chơi bóng ở nước ngoài. Văn Lâm từng thi đấu ở Lào và đang bắt cho Muangthong United (Thái Lan). Xuân Trường từng chơi ở Hàn Quốc cho Incheon, Gangwon FC và có 4 tháng chơi cho Buriram United (Thái Lan), còn Công Phượng thi đấu cho Mito Hollyhock, Incheon và St-Truidense (sắp ký hợp đồng).
Tiến Dũng, Hùng Dũng, Duy Mạnh,... đều là trụ cột của tuyển Việt Nam, song những cầu thủ này chưa có sự bứt phá về giá trị chuyển nhượng do chưa từng chơi ở quốc gia nào khác ngoài Việt Nam. Transfermarkt chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu đủ tốt để đánh giá cầu thủ chơi ở V-League theo cách chính xác, khách quan nhất.
Thành công ở ĐTQG chưa đủ để đánh giá năng lực cầu thủ Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Anh) |
Đó cũng là thiệt thòi của nhiều cầu thủ Việt Nam khiến các CLB nước ngoài không có nhiều căn cứ, số liệu cụ thể để chiêu mộ cầu thủ vì lý do chuyên môn. Quá khứ cũng chỉ ra rằng ngoại trừ Văn Lâm, hầu hết các bản hợp đồng xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam đều nặng tính thương mại.
Các học trò của HLV Park Hang Seo cũng được báo chí quốc tế để ý nhờ thành công trong màu áo ĐTQG, không phải CLB. Đây là động lực để V-League tiếp tục hoàn thiện và các CLB Việt Nam phải chơi tốt ở sân chơi quốc tế để gây được tiếng vang.
Thành công ở cấp độ đội tuyển, dẫu sao cũng không phải thước đo chân thực nhất mà bài học của Công Phượng, Xuân Trường vẫn còn hiển hiện.
Tác giả: HỒNG NAM
Nguồn tin: Báo VTC News