Giải trí

Đoàn công tác Sở Văn hóa & Thể thao tham quan mô hình hoạt động Dân ca Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh

Từ ngày 29 - 31/3, Đoàn công tác Sở Văn hóa & Thể thao do bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở dẫn đầu đã đến tỉnh Bắc Ninh tham quan và học tập một số mô hình về hoạt động Dân ca Quan họ và một số nội dung liên quan trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Cùng đi có bà Quách Thị Cường - Phó giám đốc Sở; Trưởng, Phó các phòng Sở và các bộ phận liên quan.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Bắc Ninh, cùng các Phó Giám đốc Sở; Trưởng, Phó các phòng Sở và các bộ phận liên quan.

(Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, UVBCH Đảng Bộ tỉnh, Giám đốc sở VHTT Nghệ An cùng ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Bắc Ninh dự chương trình Nghệ thuật dân ca Quan họ Bắc Ninh)

Đoàn đã đến tham quan và dự chương trình Nghệ thuật tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Công trình được xây dựng từ năm 2016 nằm trên diện tích 19.400m2 và hoàn thành vào năm 2020, với tổng mức đầu tư hơn 241 tỷ đồng gồm nhiều hạng mục từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đoàn cũng đã đến tham quan đền Bà Chúa Kho, đây là ngôi đền được dựng lên gắn với sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống; thăm chùa Dâu, nơi gắn liền với vô vàn những truyền thuyết cổ xưa và cũng chính là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất từ trước đến nay; thăm Chùa Bút Tháp là một ngôi chùa cổ với nét kiến trúc vô cùng độc đáo được cho xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17 thời Hậu Lê. Kiến trúc xây dựng của chùa theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Xem, tìm hiểu quy trình làm tranh của các nghệ nhân thuộc Làng tranh Đông Hồ.

(Đoàn tham quan Chùa Dâu)

Được biết, để Dân ca Quan họ Bắc Ninh phát triển như hiện nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư kinh phí rất lớn để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa nhằm bảo tồn, lưu giữ các làn điệu Quan họ; tiến hành triển khai nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các làn điệu Quan họ cổ tại các làng, xã, các nghệ nhân Quan họ, cũng như di vật, tư liệu có liên quan. Trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển, việc sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đã giúp cho việc sưu tầm, tư liệu hóa và lưu giữ rất thuận lợi. Tư liệu sau khi sưu tầm được lưu giữ tại các trung tâm có trang thiết bị bảo quản hiện đại, đảm bảo có thể gìn giữ trong thời gian dài.

(Lãnh đạo hai Sở tặng hoa cho nghệ sỹ)

Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, việc truyền dạy giữa các thế hệ là điều quan trọng để có thể bảo tồn, duy trì được di sản. Thời gian qua, các lớp truyền dạy Dân ca Quan họ đã được đầu tư, tổ chức ở nhiều địa phương dành cho các lứa tuổi khác nhau, nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã có 369 làng Quan họ thực hành, 381 Câu lạc bộ Quan họ với hơn 10.000 người ở các độ tuổi tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy. Nhiều nơi đã xây dựng mô hình Câu lạc bộ Quan họ măng non. Đây là cách làm sáng tạo, là một mô hình hiệu quả trong thực hiện chương trình hành động bảo tồn, phát huy giá trị của DSVH Dân ca Quan họ trong xã hội đương đại. Việc truyền dạy quan họ cũng đã được nghiên cứu, biên soạn thành các tài liệu và đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông. Năm 2018, đề án Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh được tiếp tục triển khai ở giai đoạn 2 đến năm 2022. Theo đó, tỉnh đã đầu tư số lượng kinh phí lớn để thực hiện các chương trình truyền dạy Dân ca Quan họ, đầu tư xây dựng và tu bổ các thiết chế văn hóa liên quan đến Dân ca Quan họ.

(Đoàn tham quan Đền Bà Chúa Kho)

Ngoài những địa điểm sẵn có của làng như đình, đền, chùa... còn có địa điểm dành riêng cho “bọn Quan họ” đó là “nhà chứa Quan họ”. Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành trùng tu hoặc cho xây dựng mới các “nhà chứa Quan họ” theo kiến trúc truyền thống ở nhiều làng quan họ gốc như Viêm Xá, Đương Xá, Thị Cầu, Lũng Giang… Nghệ nhân quan họ cũng được quan tâm đãi ngộ nhằm khích lệ động viên về vật chất và tinh thần. Họ được phong tặng danh hiệu theo quy chế, đồng thời được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu; NNƯT, NNND hưởng mức hỗ trợ cao hơn. Nhằm tạo sự lan tỏa giá trị của Dân ca Quan họ, tỉnh Bắc Ninh không những hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ ở địa phương, mà còn cho cả các CLB Dân ca Quan họ tiêu biểu đang hoạt động ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

(Toàn cảnh Nhà hát Quan họ Bắc Ninh)

Từ khi nước ta thực hiện chính sách hội nhập, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, ngành Nghệ thuật biểu diễn nói chung, Dân ca Quan họ nói riêng có cơ hội được trình diễn, giới thiệu ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ những nét độc đáo, đặc trưng của môn nghệ thuật này. Điều đó đã khẳng định được thương hiệu của dân ca quan họ, thể hiện được bản sắc văn hóa, làm cho các nền văn hóa có sự đối sánh và trân trọng đối với các giá trị của văn hóa Việt Nam./.

Tác giả: Thu Thủy - Phó CVP

Nguồn tin: vhtt.nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP