Giáo dục

Đem tết sẻ chia đến nhà giáo, học sinh vùng cao Nghệ An

Dịp Tết Giáp Thìn, nhiều nhà giáo, nhân viên trường học vùng cao, học sinh dân tộc thiểu số được nhận quà tết từ lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An.

Lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An trao quà tết cho giáo viên, học sinh huyện biên giới Kỳ Sơn. Ảnh: Hồ Lài

Chia sẻ tết ấm đến giáo viên, học trò vùng cao

Chuẩn bị tết nguyên đán, ngành giáo dục Nghệ An lại tổ chức chuyến đi thăm, chúc tết và trao quà đến trường học 6 huyện vùng cao khó khăn Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Huyện Con Cuông là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến trao quà tết của ngành giáo dục Nghệ An đến 6 huyện miền núi cao. Tại đây đoàn đã trao 60 suất quà cho học sinh nghèo, 30 suất quà cho giáo viên của 4 cấp học.

Cô giáo Văn Thị Phương Thảo – nhân viên thư viện thiết bị của Trường THPT Con Cuông xúc động nhận món quà tết sớm, chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 cô được nhận quà, trước đó là trong chương trình “Tết sum vầy – Xuân chia sẻ” do Công đoàn ngành và Sở GD&ĐT tổ chức. Tôi nghĩ rằng mình đã nhận được rất nhiều sự ưu ái của ngành giáo dục trong năm nay. Những món quà tết trao tận tay, giúp tôi thấy bản thân được quan tâm, đồng hành của lãnh đạo, quản lý và các đồng nghiệp. Món quà tết đến sớm, vừa là giá trị tinh thần, mà cũng giúp tôi rất nhiều trang trải thêm cho cái tết đang đến gần”.

Những món quà tết được chuyển trao đến giáo viên khó khăn của huyện Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Thầy Trần Doãn Xuân – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Con Cuông cho biết: Dịp này, trường có 5 giáo viên được nhận quà chúc tết của Sở GD&ĐT. Các thầy cô đều có hoàn cảnh khó khăn riêng. Trong đó, cô Phương Thảo đặc biệt vất vả khi hai con nhỏ bị bệnh teo não bẩm sinh, vài tháng lại phải ra Hà Nội điều trị, tốn kém chi phí, thời gian chăm sóc. Những người khác cũng mỗi người một cảnh, người thì vợ bị tai nạn mất sức lao động; có giáo viên làm văn thư, lương một tháng chỉ vài triệu đồng... Điều kiện khó khăn nhưng các thầy cô luôn tận tụy, tâm huyết với nghề. Món quà tết này là nguồn động viên vô cùng to lớn để các giáo viên có thêm động lực vượt lên nghịch cảnh.

Tại huyện biên giới Kỳ Sơn, đoàn cũng đến thăm trường THPT duy nhất trên địa bàn, trao quà cho giáo viên và 19 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Lầu Ngầu Dùng, lớp 12C2 nhận món quà tết trị giá 500 nghìn đồng phấn khởi nói, đây là món quà tết đầu tiên mà em được nhận.

Dùng là cậu học trò người dân tộc Mông, nhà ở bản Tây Sơn, xã biên giới Nậm Cắn. Hoàn cảnh gia đình đông anh em, bố mẹ chăm chỉ làm rẫy nhưng vẫn thuộc diện hộ cận nghèo. Với khát vọng thoát nghèo, có nghề nghiệp để sau này tương lai bớt vất vả, từ trước đến nay, Dùng đều cố gắng học tập chăm chỉ. Lên cấp 3, không còn học ở trong xã nữa, Dùng phải xuống thị trấn thuê trọ cùng với bạn để học tại Trường THPT Kỳ Sơn.

“Những năm đi học, em luôn được thầy cô động viên, hỗ trợ rất nhiều. Dịp tết này, được các thầy cô ở Sở GD&ĐT tặng quà, em thầy càng có động lực hơn trong năm học cuối cùng trên ghế nhà trường. Em ước mơ thi đậu vào trường đại học Sư phạm, ngành Ngoại ngữ, để sau này cũng trở thành giáo viên, hỗ trợ học sinh như thầy cô của em đã giúp em những năm qua”, Lầu Bá Dùng nói.

Quan tâm chính sách cho giáo dục vùng cao

Chia sẻ với các trường học vùng cao nói chung, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An bày tỏ sự trân trọng tới thầy cô giáo, cán bộ nhân viên đã vượt qua khó khăn, bám trường, bám bản, tận tâm tận tụy với nghề. Dù trong điều kiện không nhiều thuận lợi, nhưng các thầy cô giáo vẫn thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới, nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng gửi lời cảm ơn đến phụ huynh đã đồng hành với giáo dục để chăm lo cho sự nghiệp vùng cao.

Đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mai Sơn, huyện Tương Dương. Ảnh: Hồ Lài

Những năm qua ngành giáo dục dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục vùng cao, đặc biệt là công tác tham mưu, xây dựng các chính sách để hỗ trợ cho học sinh các huyện miền núi. Trong đó, ngành đang tham mưu tỉnh ban hành Nghị quyết thí điểm xây dựng 12 trường nội trú, bán trú kiểu mới. Đây cũng là cơ sở quan trọng nhằm tạo điều kiện cho học sinh vùng khó được đến trường, được chăm sóc đầy đủ, phát triển toàn diện các kỹ năng, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho học sinh miền núi và là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đối với các Trường THPT, với đặc thù ở miền núi cao, học sinh dân tộc thiểu số, so với các huyện ở miền xuôi, chất lượng giáo dục còn nhiều khoảng cách. Tuy nhiên, các nhà trường đã đóng góp cho sự tiến bộ, khởi sắc của giáo dục miền núi và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành.

Điểm lại những kết quả mà ngành giáo dục Nghệ An đã đạt được trong những năm gần đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An mong muốn các huyện miền núi cao cần phải nỗ lực vươn lên, đổi mới dạy học, nâng chất lượng đại trà lẫn mũi nhọn. Đồng thời phát huy chương trình "trường giúp trường, phòng giúp phòng" trong hỗ trợ về chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên và học sinh.

Về phía giáo viên cũng cần tích cực thay đổi cách nghĩ, cách dạy, thay đổi chủ đề, chủ điểm hoạt động, làm mới các tiết dạy và tăng cường các kỹ năng sống trong các nhà trường. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giáo dục cũng gửi gắm tới học sinh, mong các em chăm lo học tập, xứng đáng với công lao thầy cô, với sự chăm sóc của ông bà, cha mẹ.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP