Trong nước

Đề xuất bỏ phiếu kín khi lấy ý kiến cử tri đối với ứng viên Quốc hội

Trao đổi với Tiền Phong về Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng phải tránh tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”; đồng thời kiến nghị bỏ phiếu kín khi biểu quyết để bảo đảm tính khách quan.

Biểu quyết thông qua danh sách người ứng cử tại Hội nghị hiệp thương của MTTQ Việt Nam

Minh bạch hồ sơ, tài sản để cử tri giám sát

Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2, MTTQVN các cấp sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND). Theo ông có điểm gì cần lưu ý để phát huy vai trò giám sát của cử tri?

Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân nơi ứng cử viên sinh sống. Việc này đã được MTTQ Việt Nam hướng dẫn rất đầy đủ, song vấn đề quan trọng là khâu thực hiện ra sao, để phát huy được tốt nhất vai trò “tai, mắt” của nhân dân. Hơn ai hết, cư tri nơi cư trú là những người biết rõ ứng cử viên đó quan hệ với láng giềng, hàng xóm ra sao; có gương mẫu trong sinh hoạt và lối sống hay không; rồi vợ, chồng, con cái ra sao…?

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thấy rằng, không phải cái gì cử tri nơi cư trú cũng đều biết hết cả. Ví dụ như vấn đề tài sản, đôi khi cái cử tri nhìn thấy chỉ là bề nổi, còn “của chìm” thì không thể biết rõ. Nhân dân làm sao biết được ứng cử viên đó có hai quốc tịch và cũng biết làm sao biết được các khối tài sản của họ ở nước ngoài hay ở các nơi khác? Qua nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm, nhất là qua các vụ việc đại biểu vi phạm tiêu chuẩn, dính đến các vụ việc, vụ án tiêu cực, tham nhũng và bị xử lý bãi miễn. Cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc lựa chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV.

Như vậy, muốn phát huy được vai trò của cử tri nơi cư trú, phải công khai, minh bạch hồ sơ, tài sản của các ứng cử viên?

Theo tôi, tất cả những cái đó cần được công khai minh bạch, không chỉ tại Hội nghị Hiệp thương mà cả tại hội nghị cử tri nơi cư trú. Vừa qua, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 thông qua danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan T.Ư giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cũng có kèm theo bảng kê khai tài sản. Do đó, ở địa bàn dân cư cũng nên có cách thức công khai. Có công khai thì nhân dân mới giám sát và phát hiện ra được những nghi vấn để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Giơ tay biểu quyết khó bảo đảm khách quan

Việc biểu quyết giới thiệu ứng cử viên vừa qua thường được thực hiện theo hình thức giơ tay, ông nghĩ sao về cách thức này?

Tôi thấy tại các cơ quan, đơn vị vừa qua đa phần thực hiện việc biểu quyết theo hình thức giơ tay. Kết quả các ứng cử viên đều đạt tỷ lệ 100%. Điều này gây ra những băn khoăn nhất định, bởi biểu quyết theo hình thức giơ tay khó bảo đảm được tính khách quan, vô tư. Vì thế, để bảo đảm sự vô tư, khách quan, tránh tình cảm cá nhân nên dùng hình thức bỏ phiếu kín để thể hiện được rõ chính kiến. Với thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan ứng cử, nếu biểu quyết theo hình thức giơ tay thì chẳng ai dám không giơ tay cả.

Việc mời các cư tri nơi cư trú tham dự hội nghị lấy ý kiến đối với người được giới thiệu ứng cử, có điều gì cần phải lưu ý, thưa ông?

Thành phần cử tri nơi cư trú dự hội nghị phải đa dạng, khách quan, tránh tình trạng cử tri “chuyên nghiệp”. Có như thế mới phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, và ý chí của nhân dân nơi cư trú. Nếu mời toàn cử tri “chuyên nghiệp” thì khó mà bảo đảm được sự khách quan.

Khi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú làm sao bảo đảm được sự bình đẳng giữa những người được các cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu và những người tự ứng cử, thưa ông?

Hiện nay các quy định và hướng dẫn của MTTQVN đều bảo đảm sự bình đẳng, công bằng, không phân biệt giữa những người được các cơ quan giới thiệu và người tự ứng cử. Khi thực hiện các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, MTTQVN và chính quyền các cấp cần phải thực hiện nghiêm theo đúng các quy định của luật và hướng dẫn của MTTQVN, không được phân biệt đối xử giữa những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. Những nơi nào có hành vi phân biệt là vi phạm cần phải chấn chỉnh, xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Vừa qua, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 thông qua danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan T.Ư giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cũng có kèm theo bảng kê khai tài sản. Do đó, ở địa bàn dân cư nên có cách thức công khai.

Tác giả: VĂN KIÊN (THỰC HIỆN)

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP