Trong nước

Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế khi chưa phân bổ chi tiết 1.416 tỉ đồng

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chưa phân bổ chi tiết số vốn 1.416 tỉ đồng đã được Quốc hội phê duyệt

Sáng nay 15-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.

UBTVQH họp xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài - Ảnh: Nguyễn Nam

Trong 2 tờ trình gửi tới UBTVQH, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đề nghị UBTCNS bổ sung dự toán ngân sách trung ương 2 khoản viện trợ khoảng 1.413 tỉ đồng phát sinh trong 2020 và 4.217 tỉ đồng trong năm 2021 nhưng chưa được đưa vào dự toán.

Đây là các khoản "tăng thu" nên thẩm quyền quyết định là của UBTVQH, do đó, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTC-NS) cho rằng việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết và hợp lý, không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban TC-NS đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện, hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Chủ nhiệm UBTV-NS Nguyễn Phú Cường cho biết số tiền 1.431,387 tỉ đồng là khoản viện trợ phát sinh trong năm đã được các bộ, cơ quan trung ương thực nhận và sử dụng, chi tiêu trong năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một số khoản kinh phí viện trợ chưa có dự toán đã được các bộ, cơ quan trung ương tiếp nhận song chưa được rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán chi kịp thời 1.626,3 tỉ đồng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ số chênh lệch giữa báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

UBTC-NS cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chưa phân bổ chi tiết số vốn 1.416 tỉ đồng đã được Quốc hội phê duyệt giao dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ của ngân sách trung ương năm 2021.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Chính phủ trình bổ sung dự toán năm 2020 và xác định đây là khoản viện trợ phát sinh trong năm, song báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã xác nhận khoản thu, chi này.

Do đó, đây là khoản đã phát sinh từ năm 2019, không phải là khoản phát sinh trong năm 2020, nhưng đến năm 2022 mới báo cáo bổ sung dự toán và phân bổ khoản chi này là quá chậm (gần 4 năm).

"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương xác định rõ trách nhiệm trong việc không tuân thủ quy định của luật Ngân sách nhà nước"- Chủ nhiệm UBTC-NS Cường nói.

Giải trình vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết việc Bộ Y tế chậm phân bổ đã được Chính phủ chỉ đạo khắc phục, Bộ Tài chính cũng đề nghị sớm phân bổ nhưng năm 2021, Bộ Y tế mới nhận mà chưa phân bổ. Tới đây trách nhiệm của Bộ y tế là phải công khai những nơi nào nhận tiền mặt bao nhiêu, hiện vật bao nhiêu.

Giải trình về nguồn viện trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế phòng Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin cả tiền mặt và hiện vật là khoảng 20.000 USD, khoản này chưa được ghi thu ghi chi. Bộ Y tế đang quản lý và sẽ làm hồ sơ trình Quốc hội sau.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng lập luận các khoản viện trợ mà Chính phủ đề nghị bổ sung vào dự toán các năm trước đều "rất minh mạch", và việc bổ sung này "chủ yếu là thủ tục thôi".

"Khoản nho nhỏ thế này mà trình ra Quốc hội thì nó thế nào ấy"- ông Hồ Đức Phớc bày tỏ và cho rằng chỉ nên trình để Quốc hội quyết những việc lớn, có tính chất quyết sách, còn những khoản như thế này đều được báo cáo thường xuyên, minh mạch, quản lý chặt chẽ nên chỉ cần trình UBTVQH quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hồ sơ chưa đủ điều kiện để UBTVQH xem xét

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự không đồng tình và nhấn mạnh, bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán là thẩm quyền của Quốc hội và phải làm theo luật, muốn làm khác thì phải sửa luật chứ "không thể nói chơi một hai câu là được".

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tách riêng vắc-xin ra khỏi nguồn viện trợ, đưa vào chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước và phải trả lời được không chỉ viện trợ không hoàn lại mà tất cả các khoản khác từ việc doanh nghiệp cho, thông qua cơ chế COVAX, thông qua cơ chế viện trợ của Chính phủ.

Mặt trận Tổ quốc huy động được thì quản lý và đưa chi tiêu như thế nào vì khi UBTVQH trình ra Quốc hội thì phải có báo cáo đầy đủ.

"Hồ sơ này chưa đủ điều kiện để UBTVQH xem xét và phải báo cáo cho đầy đủ hơn"- Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính chủ trì giúp Chính phủ rà soát lại để báo cáo UBTVQH từng khoản viện trợ, nơi nào viện trợ, khoản nào cho ai, làm gì, đã chi và chưa chi đểu phải có báo cáo chi tiết.

"Trong tháng 4-2022, Kiểm toán Nhà nước sẽ có kết quả kiểm toán về vấn đề vắc-xin. Vấn đề phải minh bạch, công khai, rõ ràng. Khoản nào từ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19, khoản nào từ ngân sách, chỗ nào được cho, chỗ nào đi mua, tổng cộng là nhiều bao liều"- Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết UBTVQH thống nhất về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021 để đảm bảo các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đủ điều kiện hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, đây là khoản bổ sung dự toán nên cần trình Quốc hội để đảm bảo đúng thẩm quyền. Ông Hải đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến tham gia của UBTVQH để tiếp tục hoàn thành tờ trình, báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội.

"Đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại, không để xảy ra thất thoát, lãng phí và xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại. Rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao"- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương cập nhật, rà soát chính xác số liệu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn viện trợ không hoàn lại đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch theo các quy định.

Tác giả: Bảo Trân

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP