Công nhân Việt Nam đứng máy tiện ở một xưởng sản xuất tại Busan, Hàn Quốc - Ảnh: MAI NHÂN |
Trên Facebook xuất hiện những đoạn clip đăng tải những cuộc rượt đuổi lao động bất hợp pháp gay cấn như trong phim hành động. Bên cạnh đó, trên Kakaotalk, Zalo hay Facebook, những anh chị em lao động Việt Nam ở Hàn Quốc cũng nhắc nhở nhau phải cẩn thận, đừng để rơi vào cảnh bị bắt bớ.
“Chứng kiến cảnh những người lao động bất hợp pháp Việt Nam dù bị truy quét, dù phải sống cảnh chui nhủi ở xứ người vẫn không tắt niềm hi vọng vào cuộc mưu sinh để cải thiện cuộc sống, chúng ta không thể không thương cảm. Nhưng xét về lý, lao động bất hợp pháp là vi phạm pháp luật |
Nhu cầu và sự thỏa hiệp
Từ tháng 2-2017, để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm tra tư cách cư trú của lao động nước ngoài cũng như phát hiện và truy bắt người lao động bất hợp pháp, Bộ Tư pháp Hàn Quốc phối hợp với cảnh sát toàn quốc sử dụng “Hệ thống điều tra thông tin, thời hạn cư trú của người nước ngoài” bằng phần mềm được cài đặt trên điện thoại. Vì vậy cảnh sát có thể kiểm tra, bắt giữ lao động bất hợp pháp bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Hàn Quốc có cách quản lý người nước ngoài rất chặt chẽ. Một tuần trước khi hết hạn visa, nhà chức trách đến dán trên cửa nhà có người nước ngoài cư trú tờ giấy yêu cầu gia hạn visa, trong đó ghi rõ thời hạn, địa điểm, thủ tục để họ chuẩn bị.
Dù vậy, hiện nay số lượng người lao động bất hợp pháp Việt Nam ở Hàn Quốc vẫn tăng đến mức báo động. 39% lao động bất hợp pháp trên tổng số khoảng 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc là con số không nhỏ (khoảng 17.000 người).
Tất nhiên để số lượng lớn người lao động bất hợp pháp tồn tại như vậy phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và có sự thỏa hiệp của người sử dụng lao động Hàn Quốc. Các ông chủ Hàn Quốc thích thuê người lao động Việt Nam vì mức lương trả cho họ rẻ hơn nhiều so với trả cho người lao động Hàn Quốc, không phải đóng bảo hiểm và các chế độ khác.
Nhưng đó chưa phải là lý do duy nhất. Các công ty hay các ông chủ Hàn Quốc thích người lao động Việt Nam vì họ làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm, thông minh, hiểu việc nhanh, làm việc rất chuyên nghiệp và chủ có thể yên tâm giao khoán việc cho họ.
Để không phải “làm chui” xứ người
Chứng kiến cảnh những người lao động bất hợp pháp Việt Nam dù bị truy quét, dù phải sống cảnh chui nhủi ở xứ người vẫn không tắt niềm hi vọng vào cuộc mưu sinh để cải thiện cuộc sống, chúng ta không thể không thương cảm. Nhưng xét về lý, lao động bất hợp pháp là vi phạm pháp luật.
Điều này gây khó khăn cho sự quản lý của chính quyền sở tại, thậm chí còn gây nên nhiều hệ lụy, trong đó có việc làm mất cơ hội cho những người lao động Việt Nam sau này khi Chính phủ Hàn Quốc “đóng cửa” đối với lao động nhập cư.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có biện pháp thực hiện ký quỹ đối với người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Nhưng như vậy chưa đủ. Nhà nước cần quản lý chặt chẽ các công ty, doanh nghiệp. Vì có nhiều trường hợp do không tìm hiểu kỹ hoặc bị các doanh nghiệp xuất khẩu lao động lừa, người lao động bị “vỡ mộng” khi sang Hàn Quốc.
Áp lực công việc quá lớn, mức lương lại thấp, không đủ trang trải chi phí ở một quốc gia mà mọi thứ đều đắt đỏ, chưa kể còn gánh trên lưng một khoản nợ khổng lồ khi xuất khẩu lao động nên họ đã phá vỡ hợp đồng, ra ngoài làm bất hợp pháp.
Giải pháp lâu dài nhất vẫn là tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhà nước nên có chiến lược đào tạo, phát triển, tận dụng mọi nguồn lực để hạn chế dòng chảy đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là thanh niên. Với những trường hợp hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động, địa phương nên có kế hoạch tiếp nhận, tạo việc làm ổn định cho họ để họ yên tâm trở về.
Bà Trần Thị Vân Hà (trưởng phòng thông tin, truyền thông Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH): Áp dụng nhiều giải pháp ngăn chặn Hiện tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc là khoảng 46.000 người, trong đó có khoảng 17.000 lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Về những giải pháp hạn chế tình trạng lao động Việt Nam cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện chính sách ký quỹ 100 triệu đồng đối với lao động. Sau khi hoàn thành hợp đồng và trở về nước đúng thời hạn, người lao động sẽ được nhận lại số tiền ký quỹ cả gốc và lãi. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Đồng thời, bộ cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ tái hòa nhập đối với lao động làm việc tại Hàn Quốc (hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trở về nước đúng hạn); miễn phạt tiền đối với lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn ân xá; xử phạt vi phạm hành chính đối với những lao động làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành văn bản hạn chế tuyển chọn lao động tại một số địa phương và hạn chế đối tượng dự tuyển đối với những địa phương có tỉ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc cao. Năm 2016 đã tạm dừng tuyển chọn lao động đối với 44 quận/huyện có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Năm 2017, tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đối với 58 quận/huyện. ĐỨC BÌNH ghi |
Tác giả: TRẦN THỊ MAI NHÂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ