Ngày 1/10, UBND phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An cho biết, trên địa bàn xảy ra 2 vụ sạt lở. Trong đêm 28, rạng sáng 29/9, mưa lớn đã làm đất, đá từ núi Quyết sạt lở xuống làm sập nhà của gia đình ông Đậu Doãn Khanh, khối 3 và ông Trương Hải An, số 211, đường Ngô Thì Nhậm.
Ông Phan Đức Đồng, Bí thư Thành ủy Vinh đã thị sát và yêu cầu chính quyền phường Trung Đô sớm trình phương án di dời, tái định cư cho toàn bộ các hộ dân sinh sống ven chân núi Quyết có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.
Một mảng tường phía sau căn nhà ông An bị hư hỏng do đất, đá sạt lở đè (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Theo ghi nhận của phóng viên, vụ sạt lở núi Quyết không gây thiệt hại về người nhưng khiến nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này bất an.
"Sau khi biết được thông tin, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường để vận động gia đình ông An và ông Khanh di dời đến nhà người thân để tránh trú tạm thời, đề phòng đất, đá có thể tiếp tục sạt lở", ông Đậu Doãn Thanh, Chỉ huy trưởng quân sự phường Trung Đô cho biết.
Thời điểm đất, đá sạt lở không có người trong nhà nhưng nhiều tài sản của 2 gia đình đã bị hư hỏng nặng.
Một khối đá nặng hàng tấn rơi từ núi Quyết vào nhà ông Khanh (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Bà Thái Thị Hải, trú tại khối 3, phường Trung Đô vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi đất đá bất ngờ trút xuống căn nhà của mình: "Giường ngủ của gia đình nằm sát dưới chân núi Quyết, thật may mắn vì lúc đó còn sớm, chúng tôi chưa nghỉ ngơi, chứ không đã bị khối đất đá đè lên người, không thoát khỏi…".
Hàng trăm khối đất, đá đổ xuống ngôi nhà của ông Khanh, vùi lấp, làm hư hỏng nhiều tài sản.
Đất đá sạt lở giữa trung tâm thành phố Vinh.
Ông Khanh cho biết, đã 7 lần xảy ra sạt lở đất làm gia đình ông hoang mang (Ảnh: Nguyễn Duy). |
"Hôm đó (tối 29/9), bắt đầu xuất hiện mưa lớn, tôi nghĩ đến chuyện không hay nên nói với vợ, con cái đi lánh nạn sang hàng xóm. Còn tôi ở nhà canh đồ đạc, khi đang nằm trên võng phía ngoài thì đột nhiên đất, đá đổ rầm như bom nổ từ trên núi xuống, đè bẹp ngôi nhà. Nghe tiếng đất, đá đổ sập ầm ầm, bà con trong khối hối hả chạy đến ứng cứu, rất may lúc đó tôi nằm ở ngoài, chứ ở trong nhà thì gặp nạn rồi", ông Khanh vẫn chưa hết hoang mang.
"Mảnh đất của gia đình tôi ở đây từ những năm 1980. Từ đó đến nay, tôi đã chứng kiến 7 lần đất, đá từ núi Quyết sạt lở xuống nhà rồi. Chúng tôi rất mong Nhà nước tạo điều kiện để bà con được di dời đến nơi an toàn hơn", ông Đậu Doãn Khanh cho biết thêm.
Đất, đá xô đổ bức tường, đè lên cả giường ngủ của người dân, rất may, không gây thiệt hại về người (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Ông Trần Quảng Đại, Chủ tịch UBND phường Trung Đô, thành phố Vinh - cho biết, theo thống kê hiện còn 28 hộ dân sinh sống dưới chân núi Quyết có nguy cơ bị sạt lở cao, trong đó có 2 hộ đã bị lượng lớn đất đá đổ ập vào nhà, hư hỏng nhiều tài sản.
"Những vụ sạt lở núi Quyết diễn ra mấy ngày qua làm lượng đất, đá đổ xuống quá lớn, trong khi lớp đất nền đang yếu do ngấm mưa lâu ngày, không thể huy động máy móc để san gạt vào thời điểm này vì rất dễ gây ra sạt lở tiếp. Những tảng đá vẫn cứ lơ lửng trên sườn núi. Để thời tiết nắng lên, chúng tôi sẽ huy động máy móc xử lý những điểm sạt lở nói trên, đảm bảo an toàn cho người dân", ông Đại nói.
Các hộ dân ở khối 3 phường Trung Đô nằm trong vùng nguy cơ cao bị đất đá gây sạt lở (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Theo ông Đạt, về lâu dài, để đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão, phường mong muốn các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chi tiết Lâm viên núi Quyết; triển khai dự án xây dựng khu tái định cư Lâm viên núi Quyết để các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, đá nói trên đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống.
Nhiều năm qua, các hộ dân sống dưới chân núi Quyết mong muốn có khu tái định cư để yên tâm sinh sống, sản xuất, không còn cảnh thấp thỏm, lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.
Tác giả: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí