CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo đó, doanh nghiệp của ông trùm ngành thép Trần Đình Long đã sử dụng hết 5.000 tỷ đồng để đầu tư cho giai đoạn 2 dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất và 56 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.
Đây là toàn bộ số tiền mà HPG huy động được khi triển khai chương trình chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 5:1, tương đương với số lượng phát hành gần 253 triệu cổ phiếu vào năm 2017.
Theo HPG, tiến độ dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất đang được thực hiện đúng theo kế hoạch, dự kiến giai đoạn 1 đi vào hoạt động trong quý 1 năm nay.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm với sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.
Ông Trần Đình Long. |
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất 2 triệu tấn/năm thép dài bao gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao. Giai đoạn 2 của dự án sản xuất 2 triệu tấn một năm thép dẹt cán nóng phục vụ cơ khí chế tạo.
Theo dự báo của CTCK Bảo Việt (BVSC), lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát năm 2019 sẽ tiếp tục tăng cho dù giá thép Trung Quốc giảm và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu dự báo thấp hơn nhiều năm 2018.
Theo BVSC, ước tính lợi nhuận sau thuế HPG có thể tăng 14% lên khoảng 10 ngàn tỷ đồng năm 2019 nhờ sản lượng tiêu thụ tăng mạnh.
Cũng theo BVSC, 2 lò cao giai đoạn 2 tại Dung Quất sẽ đi vào chạy thử khoảng tháng 9 và tháng 12 và đóng góp một phần vào kết quả kinh doanh của HPG năm 2019. Nhưng quan trọng hơn, giá thành sản xuất thép của HPG tại Hải Dương thấp hơn so với trung bình của ngành thép Trung Quốc và giá thành tại Dung Quất không cao hơn nhiều so với Hải Dương.
Do đó, khi giai đoạn 2 dự án tại Dung Quất đi vào hoạt động với giá bán HRC tương đương với các sản phẩm nhập khẩu thì BVSC cho rằng lợi nhuận/tấn của HRC cũng sẽ ở mức tương đương so với sản phẩm thép xây dựng.
Đây là một dự báo khá lạc quan đối với Hòa Phát và có thể có tác động tích cực tới giá cổ phiếu HPG vốn giảm rất mạnh trong cả năm 2018 và những ngày đầu 2019.
Trong năm 2018, ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long khá sóng gió, chứng kiến cổ phiếu sụt giảm mạnh, túi tiền bốc hơi cả chục ngàn tỷ đồng và rớt khỏi danh sách tỷ phú USD trong bảng xếp hạng Forbes.
Sở dĩ ông Trần Đình Long rớt khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes là do cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát của đại gia gốc Hải Dương này tụt giảm gần 40% trong vòng gần 1 năm qua, từ đỉnh cao 47.500 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) hồi tháng 3/2018 xuống còn 29.500 đồng/cp như hiện tại. Túi tiền của ông Trần Đình Long đã bốc hơi gần chục ngàn tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG giảm giá trước hết theo xu hướng điều chỉnh chung trên thị trường chứng khoán (TTCK) kể từ sau khi ghi nhận đỉnh cao lịch sử hơn 1.200 điểm vào hôm 9/4. Hiện tại VN-Index đã xuống dưới ngưỡng 880 điểm.
HPG giảm còn do khối ngoại bán ra mạnh thời gian gần đây và giới đầu tư lo ngại vào tương lai của cổ phiếu HPG sau khi doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đẩy mạnh vay tiền và dồn vốn vào đại dự án Thép Dung Quất.
HPG giảm giá còn do thị trường bất động sản không còn sôi động và có thể rơi vào thời kỳ khó khăn hơn trong vài năm tới khi mà Chính phủ thực thi các chính sách thắt chặt để đảm bảo phát triển bền vững, giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Quyết định áp thuế cao đối với thép nhập khẩu nước ngoài (tăng khoảng 10 lần lên 25%) khiến thị trường thế giới chấn động. Tỷ phú Việt ngành thép được dự báo cũng sẽ gặp khó khăn bởi chính sách bảo hộ của ông Donald Trump.
Trên thị trường chứng khoán, áp lực bán vẫn còn khá lớn, thanh khoản ở mức thấp. VN-Index thủng ngưỡng 880 điểm, sau khi đã mất tổng cộng 9,3% trong cả năm 2018.
Những diễn biến không thuận trên thị trường tài chính thế giới ảnh howngr mạnh tới nhóm cổ phiếu ngân hàng. BIDV, VPBank, Vietinbank, ACG, MBBank,... đều giảm mạnh.
Một số cổ phiếu trụ cột như GAS, Hòa Phát, Vincom Retail,... cũng giảm sâu.
Một số công ty chứng khoán có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo. SHS cho rằng, xu hướng thị trường vẫn rất rủi ro. SHS khuyến nghị nhà đầu tư không nên vội vã bắt đáy trong giai đoạn này do rủi ro giảm tiếp của thị trường vẫn còn khá lớn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/1, VN-Index giảm 13,53 điểm xuống 878,22 điểm; HNX-Index giảm 2,15 điểm xuống 100,52 điểm. Upcom-Index giảm 0,62 điểm xuống 52,17 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 195 triệu đơn vị, trị giá 4,0 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet