Công ty ông Phạm Nhật Vượng lãi nhất thị trường chứng khoán
Tuần qua, thông tin đáng chú ý xoay quanh tỷ phú Phạm Nhật Vượng là việc, Vinhomes của ông vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm đã được soát xét với doanh thu thuần không thay đổi so với báo cáo tự lập, đạt 22.896 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 3% còn 14.697 tỷ đồng, lãi sau thuế 11.061 tỷ đồng và lãi ròng (lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ) là 10.279 tỷ đồng. Song, đây vẫn là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đáng chú ý, hồi tháng 7 vừa qua, một công ty con của Vinhomes đã ký hợp đồng đặt cọc với đối tác để mua 45% tỷ lệ sở hữu trong một công ty bất động sản với tổng số tiền cọc lên tới 2.590 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Tam nói gì về kết luận của Bộ Công an
Chủ đề nóng tuần qua về đời sống doanh nhân chính là phát biểu của chủ tịch Asanzo sau kết luận của Bộ Công an. Theo đó, ông Phạm Văn Tam cho biết, đây có thể được xem là một biến cố trong quá trình phát triển của công ty. Ngay tại thời điểm sự việc xảy đến, toàn bộ hệ thống của Asanzo đã phải ngưng trệ và chịu thiệt hại nặng nề.
Tuy vậy, ông Tam vẫn lạc quan cho rằng, đây không hẳn là khủng hoảng mà chỉ coi đó là một biến cố.
Nhắc lại câu chuyện của một năm trước, Chủ tịch Asanzo chia sẻ, đến thời điểm này thì tôi cũng nắm trong tay kết quả đầy đủ, và Asanzo chẳng có lỗi gì.
“Tuy thiệt hại ban đầu rất lớn nhưng tôi đủ trải qua được, tôi tin pháp luật Việt Nam rất công bằng. Với kết quả đang nắm trong tay này, tôi càng tự tin hơn để phát triển hơn nữa”, ông Tam khẳng định.
Cũng theo doanh nhân này, trước khi xảy ra biến cố, ông phát hiện có nhiều chuyện cần thay đổi về quản trị trong các doanh nghiệp anh đang quản lý, vừa giữ được thương hiệu cũ nhưng không phải theo cách làm cũ.
Để thực hiện mục tiêu đó, ông Phạm Văn Tam đã thành lập tập đoàn đầu tư có tên Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Winsan. Đặc biệt, ông coi Winsan như một chiếc 'bơm trợ lực' cho các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng nhân rộng nhưng còn thiếu nguồn lực tài chính lẫn kinh nghiệm quản trị.
Đại gia Việt chi "núi tiền" mua quan tài
Tuần qua, thông tin về ông P - một doanh nhân chuyên kinh doanh vàng bạc đá quý ở chợ Lớn (TP.HCM) đã chi 500 triệu đồng tiện cọc cho một cơ sở để làm một cỗ quan tài theo yêu cầu được rất nhiều người quan tâm.
Quan tài trị giá hàng tỷ đồng |
Bởi ngoài tiền công, nếu làm đẹp, người thợ làm quan tài còn được nhận thêm 1,5 tỷ đồng tiền thưởng.
Nguyên do ra đời của chiếc quan tài bạc tỷ này là vì, ông P rất mê tín. Khi xem bói, thầy phán nếu chết xuống cõi âm mà muốn tiếp tục ăn nên làm ra thì phải chạm trên quan tài một đôi cá chép, thỏi vàng và 2 chữ Tài - Lộc. Khi cỗ quan tài của ông P làm xong, rất nhiều người kéo đến xem, vì trong đời họ chưa bao giờ thấy một cỗ quan tài nào chạm trổ kỳ công, lại dát vàng, đá quý bóng loáng như thế.
Theo một người kinh doanh hòm ở TP.HCM, giá cả của chiếc hòm phụ thuộc vào họa tiết nhiều hay ít, nếu yêu cầu chạm khắc công phu thì loại gỗ làm quan tài đó phải thuộc loại tốt và dày trên 10cm. Đó chỉ là tiền gỗ và tiền công, các đại gia còn chi tiền để đính thêm đá liệu, dát vàng.
Đại gia Hòa Bình xây lăng mộ chờ ướp xác
Ở Sơn Lâm (Lương Sơn, Hoà Bình), nhưng biệt danh không gắn liền với hổ, mà ông Nguyễn Công Đức lại nổi tiếng với biệt danh Đức “gấu”. Ngoài nổi tiếng vì nuôi gấu, ông Đức còn tự xây dựng khu lăng mộ chờ ướp xác mình. Hầm mộ của ông được xây dựng năm 2000, hoàn thiện năm 2006, theo hướng Tây Bắc.
Được biết, để xây lăng mộ cho mình, ông Đức đã ngao du khắp Việt Nam rồi sang cả Trung Quốc, Ấn Độ để tìm hiểu kỹ thuật ướp xác. Sau đó, phải mất 3 năm rưỡi thuê 30 thợ lành nghề kỳ công đẽo đục đá trên đỉnh một ngọn núi ở Lương Sơn (Hòa Bình) sâu cả chục mét để làm hai hầm mộ chuẩn bị cho việc ướp xác khi ông và vợ về với tổ tiên.
Một người làm công của ông Đức cho biết, để có lối đi và đào được một hệ thống hang động chằng chịt, ông Đức đã thuê 30 người đục đẽo đá trong vòng 3 năm. Số tiền “khủng” chi cho việc xây ngôi mộ có một không hai này không được ông Đức tiết lộ.
"Ướp xác hẳn là cái "sự khó", nên tôi thử xem nó khó thế nào. Với lại, người già thường hay lo đến chuyện hậu sự. Tào Tháo lo từ khi 36 tuổi, Thành Cát Tư Hãn cũng lo xây mộ mình lúc 38 tuổi, lúc xây mộ tôi cũng ở cái tuổi "thất thập", lo đến chuyện hậu sự cũng là vừa rồi...", ông Đức từng chia sẻ .
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí