Trong nước

Đại biểu đề xuất sử dụng 1 triệu tỷ đồng tồn dư, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, số tiền này đã gắn với các nhiệm vụ chi cụ thể nên chưa sử dụng hết, chưa phân bổ hết, chứ không phải nguồn ở ngoài để dự kiến phân bổ vào việc khác.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội (KTXH) sáng 1/6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) ấn nút tranh luận, chia sẻ với ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) trước đó về số tiền ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỷ đồng (tính đến tháng 5/2023), là số vốn dư thừa mà không thể tiêu được.

Đưa tiền vào nền kinh tế có thực sự tạo sức bật?

Đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị nguồn này có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động. "Tôi nghĩ rằng nguồn lực này có thể giải quyết. Chúng ta có những giải pháp ngay về những vấn đề này thì sẽ kích hoạt nền kinh tế và đưa vốn chưa sử dụng, lượng tiền chưa sử dụng vào nền kinh tế thì sẽ ổn định, kích cầu, thay vì thực hiện những giải pháp hiện nay", ông nêu giải pháp.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, linh hoạt nguồn vốn tồn đọng trong ngân hàng là việc nên làm, nhưng phải linh hoạt trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và tháo gỡ thủ tục hành chính để đưa tiền vào đúng địa chỉ, tức là vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho nền kinh tế. "Hơn nữa, nếu những công trình đã và đang được chuẩn bị đầu tư, cần nguồn vốn này mà không có thì có khi sự lãng phí này sẽ sinh ra sự lãng phí khác", đại biểu lo ngại.

Cũng theo ĐBQH tỉnh Quảng Trị, cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chính sách tài khóa có thực sự phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế hay không? "Việc ấn định mức giá chào thầu, dự kiến khối lượng tiền chào thầu có xem xét đến các mục tiêu tác nghiệp về thanh khoản hệ thống ngân hàng, mặt bằng giá vốn trên thị trường tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang theo đuổi không?" - ông đặt câu hỏi và mong muốn các thành viên Chính phủ có câu trả lời thỏa đáng để "gỡ khó" cho nền kinh tế.

ĐBQH tham dự phiên thảo luận.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận về số tiền tồn dư ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực tế tồn dư ngân sách là 1.043.000 tỷ đồng, trong đó gửi NHNN 895.000 tỷ đồng, lãi suất 0,8%/năm. Số còn lại gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại. Ông cũng khẳng định, số tiền này đã gắn với các nhiệm vụ chi cụ thể nên chưa sử dụng hết, chưa phân bổ hết, chứ không phải nguồn ở ngoài để dự kiến phân bổ vào việc khác.

Tham mưu xây dựng pháp luật về kinh doanh bảo hiểm

Liên quan vấn đề bảo hiểm, trước đó, tại phiên thảo luận KTXH ngày 31/5, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ (BHNT), trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công an, từ các đơn tố cáo, phản ánh vừa qua xác minh làm rõ, có hay không có dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng; nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra.

Nữ đại biểu cũng kiến nghị các công ty bảo hiểm đã đến lúc rà soát lại toàn bộ các khâu của hợp đồng bảo hiểm, từ thiết kế hợp đồng, tư vấn, ký kết và giải quyết khiếu nại. Bởi chỉ khi minh bạch và thành tâm, người dân mới "không quay lưng" với BHNT.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên thảo luận.

Giải trình về hoạt động quản lý kinh doanh BHNT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận, vừa qua có vấn đề tồn tại, như kênh liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm. Tức là, ngân hàng thương mại ký hợp đồng với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm, thông qua ngân hàng giới thiệu, để hưởng hoa hồng. Trong đó các hợp đồng thường dài, chưa rõ ràng, người mua đọc không kỹ, cho nên bị thua thiệt khi khiếu kiện.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với NHNN kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và những công ty bảo hiểm vi phạm. Bộ Tài chính cũng đang tham mưu xây dựng nghị định và xây dựng thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên; quy định gói định mức tối đa chi thưởng, quy định các vấn đề về chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

"Chúng tôi đang tập trung vào việc quản lý, kinh doanh BHNT" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Tác giả: Quỳnh Vinh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP