Du lịch

Đặc sản hiếm có khó tìm, dân thành phố ưa chuộng vì thơm ngon đặc biệt, muốn ăn phải đến nơi này

Loại cá này được coi sản vật quý được trời đất ban tặng cho vùng đất Nghĩa Lộ (Yên Bái). Thịt cá ngọt đậm, xương đã ít lại mềm, có thể làm thành nhiều món ngon.

Dòng Nậm Thia quanh co, hiền hòa ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) là nơi sinh sống duy nhất của một loài cá hiếm có tên cá sỉnh. Loài cá này chỉ ăn rêu đá, về mùa sinh sản thường ngược về nguồn nên mọi người hay ví cá sỉnh giống như cá hồi Tây Bắc.

Ông Pổn (ở bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi) cho biết cá sỉnh rất khỏe, thích sống ở nơi nước chảy xiết, sợ tiếng động lạ nên phải những người có kinh nghiệm trong làng mới "săn" được chúng.

"Cá sỉnh ngày càng hiếm chứ không nhiều như trước. Tôi đi từ 2h sáng đến gần trưa cũng chỉ bắt được khoảng 2kg. Cá sỉnh trông gần giống loài cá trôi Ấn Độ nhỏ, những khác biệt ở chỗ nó có môi đen xanh và dày, mình thon dài, đầu nhỏ, vẩy trắng, lăn tăn như hoa bạc, hai bên lườn ánh xanh. Con nào to nhất cũng chỉ bằng bốn ngón tay.

Trước đây ở dòng Nậm Thia, cá sỉnh có nhiều lắm. Những người đàn ông trong làng dìm mình trong dòng nước xếp các hòn đá thành đống, sao cho tạo nhiều khe, nhiều hốc. Sau đó, bỏ xương trâu, bò xuống để cá tập trung về ẩn náu. Bằng cách làm này, có những khe người dân bắt được 4-5kg cá sỉnh. Bây giờ muốn bắt cá sỉnh phải quăng chài, lưới và đi từ nửa đêm", ông Pổn chia sẻ.

Theo người dân ở Nghĩa Lợi, cá sỉnh rất ngon, thịt cá ngọt đậm, xương đã ít lại mềm, có thể làm thành nhiều món ngon. Những năm gần đây, số lượng cá sỉnh rất ít, có bao nhiêu các nhà hàng, quán ăn ở Yên Bái đặt mua để phục vụ khách du lịch hoặc ngươi dân giữ lại để tiếp đãi khách quý.

Cá sỉnh chế biến đơn giản nhất là món "pa kính pỉnh", tức là cá sỉnh tươi thoa muối kẹp bằng gắp tre, nướng trên than hồng cho đến khi nào cá xèo xèo bốc mùi ngầy ngậy trên than, cá vàng đều thì mang ra thưởng thức.

Ngoài pa kính pỉnh, người Thái ở Nghĩa Lợi còn chế biến cá sỉnh thành các món:

Pa mọ: Cá sỉnh ướp với hạt sẻn, ớt, sả, gừng. Lấy hoa chuối rừng thái mỏng, ngâm nước cho sạch nhựa rồi trộn đều với gia vị, đặt cá vào giữa rồi đem chưng lên. Khi cá chín thì rắc thêm vừng, lạc giã nhỏ, thưởng thức khi còn nóng. Vị bùi thơm của hoa chuối hòa cùng hương vị của cá và gia vị kích thích vị giác và rất lạ miệng.

Pà mẳm (cá sỉnh làm mắm): Cá sỉnh bắt về thả trong bể 3 đến 4 ngày cho nhả hết bùn đất, rồi vớt ra chậu, rửa sạch sau đó xếp vào lọ sành, sứ hoặc vại, với tỷ lệ cứ một lớp cá một lớp muối và đậy chặt lại. 10 ngày sau người ta chắt nước trong vại ra đun sôi để nguội rồi đổ vào vại. Công đoạn này được lặp lại 3 lần vào những ngày kế tiếp cho đến khi cá hết mùi tanh, có mùi thơm thì thôi.

Đến hết lần ba, người ta cho gia vị như: hạt sẻn, ớt tươi, xả, riềng, băm nhỏ… vào vại, rồi đem chôn sâu ở nơi khô thoáng. Pà mẳm được đem dùng ít nhất sau 6 tháng hoặc có thể lâu hơn tùy gia đình.

Có thể thấy cá sỉnh Nậm Thia được cả người dân Nghĩa Lợi và các tín đồ ẩm thực ưa thích. Cá sỉnh tuy bé nhỏ nhưng sức hấp dẫn của những món ăn chế biến từ loài cá này lại thơm ngon và bổ dưỡng cực ấn tượng.

Tác giả: H.A

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP