Ngày 3/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO3) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với: Ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; ông Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc VEAM và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp.
Các bị can bị bắt để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ông Trần Ngọc Hà - Cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty VEAM vừa bị bắt |
Theo Dân Trí, một trong các vụ việc được Bộ Công Thương chuyển hồ sơ sang công an là việc mua linh kiện phụ tùng ô tô (3.000 bộ linh kiện xe Hyundai Mighty; .500 bộ linh kiện của đơn đặt hàng giữa VEAM và chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto.
Trách nhiệm chính thuộc về ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014; Tổng giám đốc 2015-2018); Hội đồng thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc; người đại diện vốn nhà nước; kế toán trưởng; chủ tịch các đơn vị thành viên…
Ngoài ra còn có việc chuyển tiền từ VEAM cho nhà máy ô tô VEAM. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011; Tổng giám đốc 2015 – 2018); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014; Tổng goám đốc 2015-2019); ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay); HĐTV HĐQT; Ban tổng giám đốc; người đại diện vốn; kế toán trưởng…
Theo Trí thức trẻ, trước đó, ông Trần Ngọc Hà từng là người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, cho đến tháng 6/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản miễn nhiệm ông Trần Ngọc Hà làm người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.
Hồi tháng 3/2019, Hội đồng quản trị VEAM cũng đã ban hành nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà. Lý do bãi nhiệm không được công bố chi tiết.
Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất tại VEAM với 88,47% vốn điều lệ, tương đương 1,1 tỷ cổ phiếu, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hoà An hơn 79,7 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 6% vốn điều lệ.
Báo cáo tình hình quản trị VEAM 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, ông Hà nắm giữ 102.400 cổ phiếu VEA, tỷ lệ 0,0077%; bà Trần Thị Diệu Khanh, vợ ông Hà sở hữu 100.000 cổ phiếu.
Em trai ông Hà là Trần Ngọc Sơn nắm giữ 16.600 cổ phiếu, Trần Ngọc Lâm 11.100 cổ phiếu. Số còn lại gồm: chị gái Trần Thị Hải, em gái Trần Thị Thanh và Trần Thị Xuân, mỗi người sở hữu 10.000 cổ phần.
Như vậy, tổng số cổ phần ông Hà, vợ và những người trong gia đình nắm giữ là 260.100 cổ phiếu, tương đương hơn 15 tỷ đồng.
VEAM là công ty trực thuộc Bộ Công Thương, được thành lập ngày 12/5/1990 với mục tiêu trọng tâm là phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh của CEAM, Vnexpress thông tin, lũy kế nửa đầu năm, VEAM ghi nhận tăng trưởng trái chiều khi doanh thu giảm 33% còn 2.240 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 13% lên 3.420 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2019, khoản phải thu cổ tức từ công ty Honda Việt Nam còn hơn 5.824 tỷ đồng, từ Toyota Việt Nam hơn 840 tỷ đồng và Ford Việt Nam hơn 286 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn tính đến cuối kỳ của VEAM đạt hơn 29.400 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Chiếm phần lớn trong số này là vốn góp của chủ sở hữu hơn 13.288 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 14.635 tỷ đồng.
Công ty mẹ VEAM đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay hơn 6.400 tỷ đồng, doanh thu tài chính trên 7.240 tỷ đồng do cổ tức, lợi nhuận được chia từ kết quả hoạt động năm ngoái của các khoản đầu tư dài hạn. Mức chia cổ tức năm nay dự kiến trên 39%, tức mỗi cổ phiếu nhận 3.900 đồng.
Tác giả: Thu Hà (T/h)
Nguồn tin: vietQ.vn