Trong nước

Cục trưởng Chống tham nhũng: Cán bộ giàu nhờ nuôi lợn là không hợp lý

Ông Phạm Trọng Đạt nêu rõ, cán bộ khi có tài sản tăng, giảm bất thường thì phải giải trình nguồn gốc rõ ràng và hợp lý.

Trước thông tin "nhiều cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản từ nuôi lợn", ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, đặt câu hỏi: "Nuôi lợn, gà thì lấy đâu nhiều tiền thế?".

Theo ông Đạt, quy định hiện hành yêu cầu cán bộ khi có tài sản tăng, giảm bất thường thì phải giải trình nguồn gốc. Tuy nhiên, tài sản đó tăng do kinh doanh, bán nhà đất, hay do bố mẹ để lại… thì việc giải trình phải hợp lý.

"Ví dụ anh có tài sản 10 tỷ đồng mà bảo nhờ nuôi lợn, nuôi gà thì đó là giải thích cho xong, không hợp lý và không ai chấp nhận được", Cục trưởng Chống tham nhũng nói.

Bình luận vấn đề trên, ông Lưu Bình Nhưỡng - Thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc hội, cho rằng nếu ai đó quả thực giàu lên nhờ nuôi lợn, gà thì cơ quan chức năng cần xác nhận cho họ. Tuy nhiên, người dân khó tin cách lý giải này vì nuôi lợn, gà ở quy mô công nghiệp thì có thể đem lại thu nhập khá, nhưng đa số người dân làm nghề chăn nuôi chỉ có thu nhập trung bình, thậm chí nghèo. "Nhiều bà con đang kêu thu nhập bị giảm vì nuôi lợn không được giải cứu", ông Nhưỡng nói.

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt. Ảnh: Bá Đô

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, cơ quan chức năng cần phải hỏi lại những cán bộ đã giải trình như trên, xem họ đã có sáng kiến kỹ thuật và áp dụng loại công nghệ cao trong chăn nuôi như thế nào để có thu nhập như vậy.

"Tôi không thuộc chủ nghĩa kham khổ, nghĩa là không phải cứ cán bộ thì phải sống vất vả nhưng đã chọn công việc trong bộ máy chính trị, nghĩa là công bộc của dân thì đừng xây dựng cho mình một cuộc sống quá xa cách dân chúng", ông Hùng nói.

Theo ông, quy định pháp luật cũng như đạo đức công vụ yêu cầu người cán bộ phải dành toàn bộ thời gian, tâm trí cho công việc, cùng với đó người thân không được lợi dụng vị trí của cán bộ trong bộ máy công quyền để trục lợi bất chính. "Như vậy, nếu anh giàu lên thì phải giải trình rõ tài sản từ đâu mà có, giải trình không thuyết phục là dấu hiệu vi phạm pháp luật về kê khai tài sản", ông Hùng nói.

Dân không biết thì làm sao "dân bàn, dân kiểm tra"

Ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích, khi phát hiện cán bộ kê khai tài sản không trung thực thì người đứng đầu cơ quan và bộ phận tham mưu không phải chịu trách nhiệm. Như vậy là "hòa cả làng", và dẫn đến sự lảng tránh, làm ngơ theo kiểu "tôi không động đến anh, anh không động đến tôi, hình thành những liên minh ngầm che chắn cho nhau".

"Có thực tế là cán bộ ở Hà Nội nhưng nhà cửa tại TP HCM; cán bộ vùng cao nhưng sở hữu tài sản dưới Hà Nội. Muốn kiểm soát được thì cần phải công khai bản kê khai tài sản của cán bộ để người dân giám sát", ông Nhưỡng nói và cho rằng cần làm rõ trước công luận về những biệt phủ mọc lên giữa vùng quê nghèo.

"Thông tin không rõ càng khiến dư luận đoán mò, nghi ngờ rồi dẫn đến mất lòng tin. Ở đây, nếu dân không biết thì lấy gì để dân bàn, dân kiểm tra", ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP