Xã hội

Cụ ông chuyên làm 'sư tử mèo, gà đất biết gáy' dịp Tết

Dù đã bước sang tuổi 72 song ông Hoàng Choóng, người dân tộc Tày vẫn đam mê với việc làm sư tử mèo, con gà đất biết gáy… góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mỗi dịp Tết đến xuân về.

Với bàn tay của nghệ nhân Hoàng Choóng (phải), con gà đất biết gáy gọi mùa xuân

Trong tiết trời buốt giá cuối năm, trong căn nhà nhỏ ở thôn Thâm Mè (xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), ông Hoàng Choóng vẫn bận rộn với màu sắc chủ đạo đỏ, đen, xanh nguyên chất. Ông chỉ vào từng đầu sư tử kích cỡ khác nhau rồi giới thiệu: Múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống thường được biểu diễn trong các dịp lễ, Tết của người Tày, Nùng. Nó độc đáo bởi hình thù giản đơn giống chiếc nón vành rộng, được trang trí bằng các đường vẽ với nhiều mầu sặc sỡ. Từ xa xưa, hình ảnh những con sư tử mèo với những điệu múa khỏe khoắn, rộn ràng đã trở nên quen thuộc với người dân xứ Lạng.

Ông Choóng nhớ lại và kể: Khi còn là thanh niên, cứ vào mùa xuân, Choóng được theo các già làng tham gia các hoạt động tại các lễ hội, đi biểu diễn cùng đội múa sư tử mừng hội “Lồng tồng” (hội xuống đồng) ở các làng bản. “Tại đây, tôi may mắn được cụ Nông Xuân Quyền, nghệ nhân nổi tiếng nhất trong vùng hướng dẫn, truyền nghề cách làm ra con sư tử mèo, con gà đất biết gáy. Từ đó, thứ đam mê này cứ theo tôi suốt đời mình”. Ông Choóng bồi hồi nói.

Để làm ra một đầu sư tử mèo, ông Choóng phải mất hơn một 1 tuần cật lực. Ban đầu phải đi chọn loại đất thó (loại đất sét trắng có ở giữa dòng sông, suối), sau đó mang về giã mịn, sàng sảy đều, cho nước ngâm tới độ mịn, quánh. Tới khi nặn phải tập trung để làm sao đầu sư tử phải đúng nguyên mẫu mà dáng hình ngày càng phong phú, đẹp. “Tôi ngày nào cũng ngồi nặn, ngắm, chỉnh sửa từng chi tiết. Sau khi đất se khô thì dán giấy bồi. Công đoạn hưng phấn nhất là việc sơn, vẽ các màu lên các hình thù của sư tử sao cho hợp lý, ấn tượng, bắt mắt. Cuối cùng là gắn các vải đa màu sắc, bông, lông vào đầu và đuôi con sư tử với những dải vải thướt tha”. Ông Choóng thuật lại.

Cũng giống như làm cốt đầu sư tử mèo, việc làm con “Cáy cộc” (gà đất gáy) khó nhất là khâu chọn đất tốt, đảm bảo khi khô không vỡ nứt, có độ bền cao. Ông Choóng chỉ cho thấy rất nhiều hình con gà đất, mỗi con nặng khoảng 8 gam (nhỏ nhắn như quả trứng vịt) rồi giới thiệu: “Khi nặn chú ý tách gà thành 2 khối tạo thành 2 khối tách biệt, được kết nối bởi một lớp giấy xi măng dai, bền. Ở đầu và đuôi gà được khoét 2 lỗ phát ra âm thanh khác nhau khi người sử dụng tùy theo ý thích. Ví như, dùng tay kéo giãn thì gà phát ra tiếng kêu “cộc, cộc” như gà mẹ gọi gà con. Còn miệng thổi thì kêu rất to “Ò, ó, o” ở cách xa 30 mét vẫn nghe rõ, rất vui tai”. Ông Choóng hào hứng khoe: “Con “Cáy cộc” này cũng được khoác trên mình như hoa văn, họa tiết với sơn màu đẹp mắt, sinh động, cuốn hút trẻ con”.

Hoàng Choóng cho biết: Năm 2002 ông nghỉ hưu, chính thời gian này ông lại dành nhiều tâm huyết hơn cho việc chế tác vốn văn hóa dân tộc. Trong dịp Tết cổ truyền rất nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh tìm đến nhà ông Choóng để đặt mua đầu sư tử mèo, gà đất biết gáy. Thời gian gần đây, ngành VH-TT & DL Lạng Sơn thường mời ông tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm độc đáo của địa phương như “Triển lãm đặc trưng đồng bào các dân tộc Lạng Sơn” tại Hà Nội, hay chương trình “Chợ phiên xứ Lạng” được tổ chức ở Đồng Mô, Hà Nội dịp Quốc khánh 2/9/2018.

Giám đốc Sở VH-TT &DL Nguyễn Phúc Hà nhận xét: “Nghệ nhân Hoàng Choóng là người tiên phong đi đầu và là người có công trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, được tỉnh ghi nhận, đánh giá cao”. Theo ông Hà, múa sư tử mèo của dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng được hình thành qua nhiều thế hệ và gắn bó lâu đời với đời sống nhân dân địa phương. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 89 đội múa sư tử với gần 1.000 nghệ nhân biểu diễn, gần 30 nghệ nhân chế tác làm đầu sư tử mèo.

Dịp xuân mới, múa sư tử mèo cuốn hút người xem

Ông Giám đốc Sở VH-TT &DL Lạng Sơn cho biết: Thời gian tới, địa phương tiếp tục định hướng múa sư tử mèo trở thành một hoạt động văn hoá phi vật thể. Theo đó tập trung xây dựng công trình, đề án nghiên cứu sâu về múa sư tử, hình thành tài liệu biên soạn và xuất bản các ấn phẩm văn hoá liên quan đến hoạt động này. Tiếp tục làm tốt công tác truyền dạy cho các thế hệ trẻ, vận động các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư khai thác phát huy giá trị văn hoá phi vật thể, tiến tới tổ chức bình xét tặng danh hiệu nghệ nhân. n

Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngày 8/5/2017, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 1852 /QĐ-BVHTTDL công nhận Múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn là loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tác giả: NGUYỄN DUY CHIẾN

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP