►Người già bị loạn dục: Bi kịch của những người già mắc chứng lệch lạc tình dục
Một chiều đầu tháng 9/2016, có mặt tại BV Tâm thần Trung ương 1 để khám bệnh là một cặp vợ chồng cao tuổi. Nhìn bên ngoài, khó phát hiện được họ mắc bệnh tật hay bất cứ vấn đề gì về rối loạn tâm thần.
Khi được gặp bác sĩ, cụ bà trình bày, chồng bà là ông V. dù đã gần 70 tuổi nhưng sức vóc khỏe mạnh, nhu cầu tình dục vẫn còn cao. Trong khi đó bà bằng tuổi ông nhưng những ham muốn đã “nguội lạnh” gần hai chục năm nay.
Thời gian gần đây, chồng bà luôn có những biểu hiện bất thường, lúc nào ông cũng có nhu cầu về “chuyện ấy”. Bất kể thời điểm nào trong ngày, chỉ cần có cơ hội, là ông lại đòi hỏi và mỗi lần như vậy, bà vô cùng khổ sở và sợ hãi.
Cực chẳng đã, bà phải nói chuyện với các con để tìm phương án. Nghe tin này, con trai, con gái, dâu, rể của bà đều “ngã ngửa”, vô cùng choáng váng. Cho rằng những chuyện như vậy là sai trái, các con quyết không đồng tình việc làm của cụ, cụ ông đâm ra giận dỗi, cáu bẳn, không ăn, không uống để "biểu tình".
Thậm chí có lần cụ còn đòi ly hôn với cụ bà vì không thỏa mãn “chuyện ấy”. Thấy tình hình sức khỏe, tinh thần ông cụ sa sút nên các con cùng cụ bà tìm cách đưa ông đến viện điều trị.
Ảnh minh họa
Theo lời kể của một số bác sĩ, khi được người nhà đưa đến, cụ ông vẫn không quên đưa mắt nhìn phụ nữ.
Trước đó cụ vẫn sinh hoạt “chuyện ấy” với vợ một cách bình thường. Gần 4 năm trở lại đây cụ bỗng dưng thay đổi, lúc nào cũng có nhu cầu về “chuyện ấy”. Nhiều đêm nếu vợ không đáp ứng, cụ ông mất ngủ, phải đi vòng quanh nhà, thậm chí tìm cách tự thỏa mãn vì nhu cầu tăng cao.
Trước những biểu hiện lạ của chồng, cho rằng ông bị ma ám nên một mặt cụ bà mời thầy về làm lễ, mặt khác tìm đủ các thứ thuốc Đông Tây Nam Bắc về ngâm rượu bắt ông uống nhưng các triệu chứng trên cũng không thuyên giảm mà ông còn phải cấp cứu vì ngộ độc nặng.
Theo Ths, Bs La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1, những hành vi tình dục bất thường trên - mà chúng ta hay gọi là “lệch lạc”, “biến thái”… - trong IDC-10 (phân loại bệnh quốc tế) thường được xếp vào nhóm bệnh tâm thần, mục “rối loạn sở thích tình dục”.
Rối loạn sở thích tình dục gồm nhiều dạng: Loạn dục đồ vật, loạn dục phô trương (phô dâm), loạn dục nhìn trộm, loạn dục gây đau chủ động và bị động (bạo dâm), đa rối loạn…
Ngoài ra, xu hướng tình dục quá độ (cuồng dâm) thuộc nhóm “rối loạn chức năng tình dục không do rối loạn hay bệnh thực thể” cũng là một dạng rối loạn hay được nhắc đến. Nhìn chung, khi mắc các chứng bệnh này, người bệnh thường bị xã hội cho là “có vấn đề” về nhân cách nhưng đúng hơn, họ đang gặp các vấn đề thuộc về tâm thần.
Ảnh minh họa
Đối với nam, nguyên nhân là do tuyến tùng nằm cạnh tuyến yên đã kích thích thế bào e-rích làm tăng khả năng sản xuất tinh trùng. Với nữ giới thì ngược lại, tăng hooc môn buồng trứng làm tăng nhu cầu tế bào hưng cảm.
Việc tăng trạng thái hưng cảm khiến gia tăng đột ngột nhu cầu tình dục thường thấy ở những người sử dụng nhiều rượu bia, ma túy hoặc các chất kích thích. Những đối tượng này có tuổi tình dục ngắn, nhưng nhu cầu và tần suất hoạt động tăng một cách quá mức. Họ luôn trong trạng thái bị ám ảnh bởi vấn đề tình dục, việc ám ảnh này làm họ trong một ngày có thể quan hệ tình dục mấy chục lần.
Người bệnh cần khám, kiểm tra về mặt tâm lý, tâm thần và thực thể xem có bị bệnh gì không để điều trị giảm bớt trạng thái kích động về tình dục.
Ths Cương cũng cho hay, do thần kinh bị hưng phấn quá mức, việc điều trị cho các bệnh nhân này thường phải sử dụng thuốc an thần kinh giúp giảm trương lực mạch máu, giảm việc máu dồn xuống các bộ phận sinh dục tạo nhu cầu tình dục.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc để góp phần giảm khả năng tình dục và các biện pháp tâm lí đi kèm. Thông thường,các trường hợp cuồng dâm do hưng cảm, sau khi điều trị qua cơn bệnh nhân sẽ bình thường. Tuy nhiên, do bệnh dễ tái phát nên bệnh nhân thường phải điều trị duy trì lâu dài để ngừa lên cơn. Nếu không uống thuốc ngừa hoặc điều trị không đúng, khi tái phát bệnh sẽ càng nặng về cường độ và càng khó điều trị.
“Chúng tôi thường gặp cả vợ, chồng của bệnh nhân để tư vấn, cho họ thời gian suy nghĩ xem có đủ sức thông cảm và đồng hành với người bệnh trong quá trình điều trị hay không vì đây là một chặng đường dài và khó khăn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ sức ở bên người thân bị mắc chứng bệnh thường bị xã hội lên án này nhưng nếu có sự hỗ trợ của người bạn đời thì việc điều trị sẽ thuận lợi hơn rất nhiều” , Ths Cương nói.
Tác giả bài viết: H. Thúy