LTS: Bàn về chế độ đãi ngộ các giáo viên có nhiều bất cập, thầy giáo Nguyễn Cao đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Trong ngành Giáo dục, các chế độ, quyền lợi của giáo viên luôn được cào bằng như nhau.
Người phấn đấu cũng như người an phận đều ba năm tăng một bậc lương nên không tạo được đòn bẩy cho rất nhiều giáo viên phấn đấu.
Nên chăng, từ những đề nghị của Bí thư Đinh La Thăng với ngành Giáo dục: “Cần nghiên cứu thí điểm chế độ đãi ngộ, gắn kèm với trách nhiệm nhà giáo theo hướng không cào bằng” là việc nên làm không chỉ đối với riêng thành phố Hồ Chí Minh mà nên mở rộng và áp dụng trong cả nước.
Một thực tế đang tồn tại ở các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay là cứ “lão làng” là lương cao, cho dù người thầy đó dạy giỏi hay dở, miễn đừng bị kỉ luật.
Quy định về lương giáo viên vẫn còn nhiều bất cập (Ảnh: laodong.com.vn).
Người chịu phấn đấu thì được tăng lương trước thời hạn một vài lần, còn không thì “cứ đến hẹn là lên”.
Ba năm một bậc - tất cả đều cào bằng như nhau đối với mọi giáo viên trong nhà trường, chính sự cào bằng trong chế độ đãi ngộ nảy sinh nhiều bất cập, như tạo “sức ỳ” rất lớn cho giáo viên.
Trong những năm gần đây, chúng ta nói nhiều, nói mãi về công cuộc đổi mới Giáo dục nhưng thực sự những đổi mới này chưa có sự chuyển biến rõ nét về chất.
Nhiều giáo viên vẫn làm việc đối phó, lâm vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy” hay khi có thanh tra, đồng nghiệp dự giờ thì mới đổi mới phương pháp, mục tiêu; còn không vẫn áp dụng phương pháp cũ và cách dạy truyền thống.
Vì thế, sự nghiệp đổi mới giáo dục phần lớn vẫn dậm chân tại chỗ cho dù các cấp lãnh đạo hô hào, dù nghị quyết Trung ương, các Thông tư, Nghị định hướng dẫn đã rất rõ nhưng “sức ỳ” này vẫn ngày một tăng.
Chính vì vậy, việc đổi mới giáo dục rất khó thành công trọn vẹn và đồng đều.
Vì sao sức ỳ của giáo viên lại xem là lực cản lớn trong việc đổi mới giáo dục?
Mặc dù nhiều người cứ nói đến đổi mới, nhưng đổi mới như thế nào cho hiệu quả lại là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Trong khi, một bộ phận giáo viên đã an phận, bằng lòng với công việc hiện tại, họ ngại phấn đấu và ngại đổi mới, số lượng giáo viên dám đi tiên phong là không nhiều.
Một số giáo viên ở xa lấy lí do xa nhà, giáo viên gần thì viện lí do bận con nhỏ, người lớn tuổi thì lấy lí do “để lớp trẻ phấn đấu"; vì thế, việc đổi mới luôn gặp khó khăn.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy sự bất cập trong tuyển dụng, thuyên chuyển công tác; sự quan tâm của lãnh đạo quản lí chưa đúng mức; công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá giáo viên còn nhiều bất cập nên hầu hết giáo viên có tâm lý phấn đấu cũng thế mà không phấn đấu cũng vậy!
Nhiều giáo viên khi đã được bổ nhiệm vào Ban Giám hiệu cũng không còn thể hiện được sự năng nổ, phấn đấu như khi còn trong quy hoạch.
Nhiều người đã tự mãn với vị trí hiện tại và thể hiện vai trò độc đoán của mình.
Nhiều vị trong Ban Giám hiệu còn tính đến mức độ an toàn lâu dài nên làm cái gì cũng thận trọng, không dám đột phá trong quản lí. Tính sáng tạo đã thui chột dần và họ cứ vững tâm với vị trí của mình bởi lâu nay có mấy ai “đã lên mà phải xuống” đâu?
Quay lại với lời đề nghị của Bí thư Đinh La Thăng, ta thấy đó là việc nên thực hiện trong thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Cho dù sẽ tạo ra luồng dư luận trái chiều nhưng chúng ta nên đặt lợi ích dân tộc làm cốt lõi, phải chấp nhận chi trả lương cao, xứng đáng cho những giáo viên tốt và sẵn sàng đào thải những giáo viên thiếu năng lực ra khỏi biên chế.
Nhiều đơn vị có những vị trí công tác không phát huy được vai trò của mình nhưng hàng năm vẫn phải chi hàng trăm triệu để trả lương cho giáo viên.
Có những giáo viên lớn tuổi là chuyên viên ở cấp Sở - Phòng nhưng năng lực đã hạn chế, gần đến tuổi hưu nên các Sở, Phòng Giáo dục bố trí về làm Phó Hiệu trưởng ngoài giờ hay đảm nhận công việc ở các Trung tâm giáo dục cộng đồng.
Công việc và vai trò của các vị này ở cơ sở rất mờ nhạt nhưng lương hàng tháng đơn vị phải trả đến hàng chục triệu đồng; số lương đó đủ để trả cho ba, bốn giáo viên mới ra trường.
Từ lâu chúng ta đã nói nhiều đến “tự chủ” trong giáo dục nhưng hình như tinh thần tự chủ này còn vướng nhiều khó khăn về cơ chế.
Từ tài chính đến sử dụng con người đều liên quan rất nhiều đến cơ quan khác trong khi các Hiệu trưởng lại không dám “đột phá” để làm. Vì thế, nên chăng chúng ta sẽ nghiên cứu và trả lương theo năng lực, khả năng hoàn thành công việc của giáo viên?
Nếu giáo viên nào không chịu phấn đấu, có tư tưởng an phận thì không được tăng lương định kì.
Còn, giáo viên nào dám tiên phong, dám đổi mới và dám dấn thân vì sự nghiệp chung thì phải đãi ngộ xứng đáng để thúc đẩy giáo dục đi lên.
Nếu chúnglàm được như vậy, tin chắc các giáo viên sẽ nâng cao được sự tận tâm, tận lực cho sự nghiệp mà mình theo đuổi.
Tác giả bài viết: Nguyễn Cao