Trong nước

Công an TPHCM nói gì về vụ bắt ông Tất Thành Cang?

Công an TPHCM xác định có 19 cá nhân liên quan đến sai phạm phát hành 9 triệu cổ phiếu Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim, trong đó có ông Tất Thành Cang - Cựu Phó bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM.

Ngày 21/12, tại buổi cung cấp thông tin báo chí, Thượng tá Phạm Văn Thành - Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03-Công an TPHCM) cho biết, liên quan đến vụ án của ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM), Công an TPHCM tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra TPHCM.

Hiện PC03 đang điều tra những sai phạm liên quan đến Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC và Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco.

Thượng tá Phạm Văn Thành thông tin về vụ án bắt ông Tất Thành Cang.

Quá trình điều tra, Công an TPHCM xác định các vi phạm trong việc phát hành cổ phiếu tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC và Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phát hiện các dấu hiệu sai phạm liên quan của ông Tất Thành Cang.

Theo ông Thành, kết quả điều tra ban đầu cho thấy các dấu hiệu và hành vi vi phạm của ông Tất Thành Cang đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Trong đó, liên quan đến sai phạm tại Sadeco, Công an TPHCM xác định có 19 cá nhân liên quan.

Sai phạm tại Sadeco ra sao?

Ngày 16/12, Công an TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang (49 tuổi, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công trình lịch sử TPHCM) để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ông Tất Thành Cang tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Theo nguồn tin Tiền Phong, ông Tất Thành Cang bị khởi tố do có những sai phạm khi còn giữ chức vụ Phó bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM. Liên quan đến các phi vụ chuyển nhượng cổ phần, tạo điều kiện cho tư nhân thâu tóm doanh nghiệp nhà nước của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC và Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco, vai trò của ông Tất Thành Cang khi đó giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nổi lên khá rõ.

Theo đó, ông Cang đã có sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương, phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn, gây thiệt hại tiền của Nhà nước.

Tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy TPHCM đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco...

Sau đó, IPC đã yêu cầu Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thành phố trình UBND TPHCM phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8%. Theo Thanh tra TPHCM, văn bản 495 chỉ truyền đạt ý kiến cá nhân của ông Tất Thành Cang, không phải của tập thể Thường trực Thành ủy.

Công ty Sadeco là công ty con của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC (100% vốn nhà nước). Trong tổng số 170 tỉ đồng vốn điều lệ Sadeco, vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chiếm 62,8% (trong đó IPC chiếm 44%) và một số đơn vị khác.

Tổng giám đốc Sadeco Hồ Thị Thanh Phúc (đã bị bắt giam tháng 5/2019) khi đó đã đề xuất và được nhóm đại diện quản lý vốn của Văn phòng Thành uỷ TPHCM (gồm ông Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện - đã bị khởi tố) đã trình phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ Sadeco.

Tháng 4/2017, Văn phòng Thành uỷ có tờ trình do ông Phạm Văn Thông (đã bị khởi tố) ký trình xin chủ trương Phó bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM lúc bấy giờ là ông Tất Thành Cang về phương án trên. Ông Cang đã có bút phê “đồng ý” trên tờ trình.

Ông Tất Thành Cang có nhiều sai phạm liên quan đến IPC và Sadeco.

Từ ý kiến chỉ đạo của ông Tất Thành Cang về phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco, giao Văn phòng Thành uỷ chỉ đạo người đại diện quản lý vốn đầu tư để thực hiện chủ trương trên tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017.

Sau đó, IPC giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 44% xuống 28,8% theo đề nghị của cổ đông. Sadeco đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng.

Theo Cơ quan điều tra, quá trình chọn cổ đông chiến lược không được báo cáo đầy đủ, minh bạch, đánh giá không đúng năng lực của đối tác. Giá phát hành cổ đông cho cổ đông chiến lược không đúng thực tế giá trị tài sản và tiềm lực công ty, cũng như không có căn cứ pháp lý không đảm bảo lợi ích của Sadeco… Việc phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định đấu giá đã gây thất thoát cho Sadeco 208 tỷ đồng.

Tác giả: VĂN MINH - NGÔ BÌNH

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP