Cuộc sống

Con gái khoe đêm nào cũng ôm người bố đã mất ngủ cùng, mẹ lén xem camera thì bật khóc

Buổi sáng hôm ấy, nghe con gái thú nhận mà tôi thêm nghẹn ngào.

Chồng tôi mất cách đây 3 năm khi con gái lên 3 tuổi. Lúc ấy đứa trẻ mới bắt đầu có những hình dung rõ nhất về bố thì anh không may gặp tai nạn qua đời. Vì thế dù tôi đau đớn lắm nhưng nghĩ rằng mình phải thật mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con gái, động viên cô bé vượt qua và giúp con dần quên đi sự có mặt của người bố vừa mới kịp "nhớ mặt quen tên".

Phải mất một thời gian dài sau khi chồng tôi mất thì con gái dần quên đi việc không nhắc đến bố trong căn nhà này nữa. Và tôi cũng không giấu giếm con, mỗi lần con nhắc đến tôi đều nói thẳng thắn rằng "Bố con đã không còn nữa, ông ấy đã đi đến một nơi rất xa trên thiên đường kia và không bao giờ quay trở về nữa. Thế nhưng ông vẫn luôn dõi theo hai mẹ con mình và yêu thương con, che chở bảo vệ con".

Đứa trẻ cũng dần hiểu và tin vào những điều tôi nói nên không đòi bố khi nhìn thấy bạn bè đồng lứa có bố nữa. Thậm chí khi bà ngoại hay ai đó nhắc nhở tôi về việc đi bước nữa để con gái có bố, có người đồng hành cùng tôi nuôi dạy con trong tương lai, đứa trẻ đều lắc đầu và bảo "con có bố rồi, bố con ở trên thiên đường cao lắm nhưng vẫn yêu hai mẹ con nên con không muốn có thêm bố nữa. Con chỉ cần sống với mẹ thôi". Nghe con nói vậy tôi cũng yên tâm và không muốn tìm thêm một đối tượng nào khác.

Ảnh minh họa

Thế nhưng chuyện bắt đầu khó hiểu từ hồi đầu năm học vừa rồi khi con bé bắt đầu chuyển sang học trường mới, học lớp 1. Con bé bắt đầu về nhà và đòi ngủ riêng phòng chứ không ngủ chung với mẹ như trước nữa, mặc dù trước đó cứ mỗi lần tôi tập cho con ngủ riêng được ít tiếng là con đã chạy sang xin ngủ cùng vì nhớ hơi mẹ, muốn ngủ với mẹ. Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ con đua đòi, học theo các bạn ở lớp được ít buổi sau đó rồi cũng đâu lại vào đấy ngay.

Thế nhưng không, mọi thứ có vẻ ổn, 1 tuần, 2 tuần rồi 1 tháng con cũng không có ý kiến gì. Con ngủ rất ngon trong căn phòng mới của mình một mạch từ tối đến sáng cũng không sang phòng mẹ. Thậm chí có những hôm tôi đi công tác không ở nhà, bà ngoại sang ngủ cùng đứa trẻ cũng nhất quyết không ngủ cùng phòng với bà mà ngủ tách phòng.

Chuyện không có gì để nói khi đứa trẻ lại khoe "tối nào con cũng ôm bố ngủ đấy mẹ ạ". Ban đầu tôi bật cười vì đúng là "con nít":

- Bố mất rồi con làm sao mà ôm bố được chứ.

Nghe tôi nói vậy nó cũng không trả lời gì thêm nữa. Thế nhưng suốt khoảng thời gian dài sau đó, nhiều buổi sáng liền thức dậy, nó với một tâm trạng rất vui vẻ, đánh răng rửa mặt và ngồi vào bàn ăn sáng lại khoe với tôi:

- Đêm qua con ngủ ngon lắm mẹ ạ, chắc là vì con được bố ôm khi ngủ đó.

Nhiều lần nghe con nói vậy tôi cũng lấy làm khó hiểu nên định sang phòng khi con ngủ xem thế nào thì luôn bị cô bé đuổi ra ngoài.

- Mẹ về phòng của mẹ đi, con muốn ngủ một mình. Có mẹ ở đây thì làm sao bố đến được.

Nghe con gái nói mà tôi cũng lạnh sống lưng, không hiểu người bố đến hàng đêm mà con nói là ai. Thế nên tôi quyết tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Nhân lúc bé đi học tôi lắp đặt camera giám sát phòng ngủ của con và đêm đó bắt đầu xem.

Đứa trẻ sau khi học bài xong đầy đủ thì cũng bắt đầu lên giường nằm đọc sách một lát, trong lúc con đọc sách thì có ngủ gật chút xíu chứ không có biểu hiện gì bất thường. Lúc đó tôi đã định tắt camera vì nghĩ chắc chắn con bé đã bịa ra những chuyện này để tôi vui. Thế nhưng lúc tôi đang định tắt camera đi ngủ cũng là lúc cô bé bắt đầu "hành động". Con cất sách đi và lôi từ sâu trong hộc tủ quần áo một con gấu bông màu hồng. Con bé lên giường, ôm con gấu bông màu hồng đó, đắp chăn và dần chìm vào giấc ngủ. Tôi đã bật khóc khi thấy được cảnh tượng đó và dường như dần hiểu ra tất cả.

Ảnh minh họa

Con gấu bông màu hồng chính là món quà mà chồng tôi đã tặng cho bé năm sinh nhật 2 tuổi, tôi đã tưởng con đánh rơi mất ở đâu đó nhưng không, nó vẫn giữ con gấu đó suốt 4 năm trời và coi như báu vật của mình.

Suốt cả đêm tôi đã không ngủ được và nằm suy nghĩ về hành động của con gái nên sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm, sang phòng con. Đứa trẻ được đánh thức bởi tôi và tôi giả vờ như chưa hề biết chuyện gì.

- Ủa, con gấu bông màu hồng này vẫn còn ư, mẹ tưởng con đã đánh mất nó rồi cơ mà, đã lâu rồi mẹ chưa thấy con ôm nó.

Đứa trẻ dụi mặt vào lòng tôi:

- Không, con cất nó sâu trong tủ kia và không dám mang đi đâu cả cũng chỉ vì sợ mất nó.

- Thế tại sao con lại ôm nó để ngủ, đêm nào con cũng ôm nó và giấu mẹ ư?

Con bé im lặng một lúc rồi lí nhí:

- Con sợ mẹ buồn.

- Mẹ không buồn khi con giấu mẹ con gấu bông mà nhưng mẹ buồn vì con có chuyện gì đó giấu mẹ phải không?

- Bạn con nói rằng nếu con ôm nó khi ngủ thì bố sẽ về. Vậy nên đêm nào con cũng ôm nó ngủ để mong bố một lần về gặp con nhưng con chưa thấy bố về. Vậy nhưng khi ôm nó ngủ con thấy con ngủ ngon hơn mẹ ạ.

Ảnh minh họa

Ôm con vào lòng, nước mắt tôi tuôn trào hiểu ra tất cả. Hóa ra con âm thầm nhớ bố, muốn bố trở về biết bao suốt khoảng thời gian qua nhưng không dám nhắc tới vì sợ mẹ buồn nên đành làm cách này để mong được gặp bố, cảm nhận hơi ấm của bố trong lúc ngủ. Vậy mà tôi đã vô tâm để con chịu tổn thương suốt 1 khoảng thời gian dài.

Tâm sự từ độc giả thuyvi...

Những đứa trẻ với tâm hồn còn quá non nớt để đối diện được với sự ra đi của người thân. Thế nhưng, những người còn lại cũng nên thể hiện đúng cảm xúc của mình trước mặt con trẻ.

Nhiều bậc cha mẹ cố tình che giấu và không muốn con cái họ biết sự thật rằng người thân yêu đã qua đời. Tuy nhiên, trên thực tế, cha mẹ hãy nói với con và giải thích cho các con hiểu về "cái chết, sự qua đời" của người thân (không nói chi tiết, chết ra sao, như thế nào mà nói là chết là trạng thái không sống cùng những người trong gia đình, đi đến nơi xa khác...). Cha mẹ nên dạy con cách chấp nhận nỗi đau và thể hiện cảm xúc bình thường nếu mong muốn.

Các bậc cha mẹ có thể khóc trước mặt con, không nên nén khóc trong đêm, chui vào chỗ vắng để khóc bới đó vô tình khiến trẻ hiểu sai về cái chết là điều gì đó xấu hổ cần phải giấu diếm. Hãy cứ để trẻ sống đúng cảm xúc của mình, không nên cấm đoán việc trẻ khóc khi nghĩ về ai đó.

Cái chết là một điều không dễ chấp nhận, với một đứa trẻ càng khó khăn. Những người còn lại ở bên cạnh trẻ hãy kiên nhẫn từ từ giúp trẻ dần chấp nhận điều đó.

Cuối cùng, quan trọng nhất là bố mẹ hãy mạnh mẽ cùng con vượt qua nỗi đau này. Họ là người duy nhất hỗ trợ con cái thoát khỏi nỗi đau, nỗi ám ảnh sớm nhất có thể. Sau tất cả, nụ cười chính là thứ quan trọng trong cuộc sống, hãy dùng nụ cười nói về cái chết và những gì đã qua, hãy nói về những kỷ niệm đẹp của người quá cố và nở nụ cười, cha mẹ sẽ giúp con cái vượt qua được nỗi đau mất mát nhẹ nhàng hơn.

Tác giả: PHAN NGUYỄN (GHI)

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: con gái ,camera ,cảm động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP