Giáo dục

"Con em chúng tôi đỗ đạt là nhờ học thêm": Cần tìm căn nguyên vấn đề?

Nhiều nơi "mật phục" để "bắt" các trường hợp giáo viên dạy thêm, xử lý, xử phạt. Tuy nhiên, tôi cho rằng cách ứng xử với nhà giáo như thế này chưa phù hợp và cần có cách quản lý khác.

Dạy thêm trực tuyến cần phải lên án!

Nghị trường Quốc hội ngày 11/11 "nóng" vì vấn đề dạy thêm - học thêm. Các đại biểu liên tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc có nên cấm dạy thêm - học thêm hay không.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) hỏi: "Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã nghiêm cấm việc dạy thêm và học thêm trong mùa dịch nhưng gần đây đã xuất hiện tình trạng dạy thêm và học thêm trực tuyến, thậm chí có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến. Cử tri bức xúc kiến nghị rằng Bộ GD-ĐT cần tiến hành thanh tra việc dạy thêm và học thêm trực tuyến trong mùa dịch Covid-19, xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?"

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời rằng, việc dạy thêm, học thêm là việc mà ngành giáo dục ngăn chặn, nghiêm cấm.

Gần đây, xuất hiện hiện tượng dạy trực tuyến, dạy online, nảy sinh hiện tượng dạy tăng thêm giờ, dạy thêm trực tuyến. Thái độ của Bộ GD-ĐT là ngay cả khi ở trong trạng thái bình thường đã cần phải ngăn dạy thêm giờ.

"Trong khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn. Việc dạy thêm giờ, thêm nội dung càng là việc chúng ta cần phải lên án. Trong Thông tư số 09 ngày 30/3/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp.

Nếu các trường thấy học sinh đi học quá các giờ theo quy định thì tôi đề nghị các sở giáo dục, các địa phương cũng cần phải kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có bố trí quá giờ quá nhiều hay không, có hiện tượng này hay không? Quan điểm là chúng tôi cũng sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và có đầy đủ các căn cứ để nói rằng chúng ta cần phải tích cực ngăn chặn việc này", Bộ trưởng nói.

"Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt đi làm cũng nhờ học thêm"

Đại biểu Trần Công Long (Bạc Liêu) cho rằng cần tìm căn nguyên của vấn đề dạy thêm, học thêm.

Đại biểu Trần Công Long chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (Ảnh chụp màn hình).

"Từ trước tới nay chúng ta tiếp cận vấn đề này như một vấn nạn, bị cấm. Nhiều nơi "mật phục" để "bắt" các trường hợp giáo viên dạy thêm, xử lý, xử phạt. Tuy nhiên, tôi cho rằng cách ứng xử với nhà giáo như thế này chưa phù hợp và cần có cách quản lý khác.

Đại biểu Trần Công Long cho rằng nên đánh giá tác dụng, ý nghĩa của dạy thêm trong giáo dục và nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh.

"Thú thực, con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt đi làm cũng nhờ học thêm", đại biểu Trần Công Long nói.

Ông Long nhắc lại ý kiến của một đại biểu khác về việc tại sao ngành y được làm thêm mà ngành giáo dục không được dạy thêm. Ông cho rằng giải quyết vấn đề dạy thêm cần nắm được căn nguyên, dạy thêm xuất phát từ việc đời sống, thu nhập của giáo viên quá thấp.

"Rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như một kế mưu sinh. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề này", đại biểu Trần Công Long nói.

Do vậy, đại biểu cho rằng trong tình hình dịch bệnh 2 năm qua, đối tượng giáo viên cũng là đối tượng cần được cứu trợ. Đại biểu mong ngành giáo dục có giải pháp căn cơ về vấn đề này.

Trả lời vấn đề dạy thêm - học thêm mà đại biểu Trần Công Long tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm rõ vấn đề: có hai việc dạy thêm. Việc dạy thêm ngoài giờ, ngoài trường và cả những người không làm việc trong cơ sở giáo dục là nhu cầu không thể cấm được.

Trước đây Bộ GD-ĐT có Thông tư 17 quy định về việc dạy thêm và học thêm, đặt vấn đề rằng đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Nhưng luật đầu tư năm 2016 lại loại bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên nhiều điều khoản của Thông tư 17 không còn hiệu lực. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đề nghị dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong luật đầu tư.

Tuy nhiên, việc dạy thêm - học thêm mà nếu giáo viên bớt các nội dung giảng dạy chính thức, hoặc dạy trước nội dung trên lớp là bị cấm. Điều này nằm trong đạo đức nhà giáo và bị cấm. Nếu có các giáo viên dạy thêm như vậy thì mới là điều cần lên án.

Do phụ huynh muốn con học để đi thi hơn là phát triển bản thân

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) chất vấn về dạy thêm, học thêm (Ảnh chụp màn hình).

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng vấn đề dạy thêm - học thêm chưa có hồi kết. Đại biểu này nêu lên 4 vấn đề ngành giáo dục cần làm để giải quyết:

Thứ nhất là giảm tải chương trình. Nhiều nội dung chưa phù hợp, học sinh phải tiếp thu rất nhiều. Yêu cầu càng cấp thiết khi học trực tuyến.

Thứ hai là đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ phương pháp dạy "dồn ép kiến thức" sang dạy tư duy.

Thứ ba là phương pháp thi cử. Mặc dù đã có cải tiến nhưng cần thi cử tập trung vào đổi mới, sáng tạo, thi đề mở. Nhờ đó, thi lò luyện những năm gần đây giảm bớt.

Thứ tư là tổ chức hệ thống trường học, đặc biệt là tổ chức lại ở các trường chuyên, tạo môi trường hài hòa, phù hợp cho học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc dạy thêm - học thêm cần có những giải pháp chuyên môn và cả giải pháp về tinh thần, thái độ xã hội. Các biện pháp đại biểu nêu là giải pháp về chuyên môn, Bộ GD-ĐT đang thực hiện. Việc đổi mới giảng dạy của một số môn cũng nhằm tăng cường năng lực tự học, sáng tạo của học sinh.

"Việc trang bị kiến thức và nhồi nhét kiến thức chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm và học thêm. Thời gian sắp tới, trong các phương án đổi mới kiểm tra vào các giai đoạn 2025, chúng tôi cũng tính đến điều chỉnh phương án thi trung học phổ thông và kiểm tra đánh giá thường xuyên để làm sao từ góc độ kiểm tra, đánh giá có thể hạn chế được việc này.

Trên thực tế, các phụ huynh của học sinh cũng có tâm lý muốn con em học để ứng thí hơn là chú ý đến việc các con em của mình học để phát triển bản thân các cháu.

Đây cũng còn là một vấn đề tâm lý xã hội cần phải điều chỉnh, xem việc học có phù hợp với con mình hay không hay là cả nhóm bạn đi học nên cũng cho con đi học. Đó là một yếu tố về mặt tâm lý xã hội, dư luận xã hội, tâm lý của phụ huynh, việc này chúng tôi nghĩ là cần một giải pháp mang tính tổng thể", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Tác giả: Mai Châm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP