Pháp luật

Cô gái ở TP HCM bị đòi hơn một tỷ đồng cước điện thoại

Không đồng ý trả hơn một tỷ đồng cước phí điện thoại sau năm ngày hòa mạng, cô gái bị khởi kiện.

Theo nội dung vụ án, đầu tháng 7/2013, Sỹ Truyền Hoàng Ngân (26 tuổi) ký hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông với chi nhánh của Viễn thông TP HCM (thuộc Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT).

Nhà mạng cung cấp cho Ngân sim điện thoại thuê bao trả sau. Ngoài việc gọi trong nước, sim có thể gọi chuyển vùng quốc tế không giới hạn bởi vị trí của máy gọi, vị trí máy nhận cuộc gọi, loại máy… Cô gái phải ký quỹ 5 triệu đồng, khi nào không sử dụng dịch vụ này nữa sẽ được nhận lại tiền.

Trong năm ngày hòa mạng (1-6/7/2013) Ngân gọi và sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế làm phát sinh tiền cước phí cao bất thường - gần 1,1 tỷ đồng. Viễn thông TP HCM thông báo và yêu cầu cô thanh toán. Không đồng ý trả vì mức phí quá cao, Ngân bị VNPT khởi kiện ra tòa.

Trong phiên sơ thẩm hồi tháng 9/2014 của TAND quận 11, Ngân không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nhà mạng. Cô cho rằng, VNPT đã giải thích nội dung trong hợp đồng không đúng với nội dung hai bên đã giao kết. Thuê bao của cô không có việc gọi quốc tế mà không bị giới hạn bởi vị trí máy gọi cũng như máy nhận. Hơn nữa, 5 triệu đồng ký quỹ được giao dịch viên giải thích là "ngưỡng cước phí tối đa", tức là cước phí quá số tiền này sẽ bị chặn cuộc gọi.

Quá trình giải quyết vụ án, cô gái thừa nhận đã cho người quen (quốc tịch Pakistan) sử dụng sim điện thoại này nhưng hiện không thể liên lạc được với người đó. Cô tố cáo sự việc với Công an TP HCM nhưng hiện chưa nhận được phản hồi.

TAND quận 11 lúc đó đã bác yêu cầu khởi kiện của VNPT. Theo HĐXX, trong việc giao kết hợp đồng VNPT là bên mạnh thế, hiểu biết hơn khách hàng về những vấn đề liên quan đến dịch vụ viễn thông. Phía nguyên đơn cũng là bên soạn thảo hợp đồng, nên việc giải thích nội dung thỏa thuận phải theo hướng có lợi cho khách hàng.

Tòa không chấp nhận quan điểm của VNPT khi cho rằng khi ký hợp đồng hai bên không quy định về giới hạn cước phí cuộc gọi quốc tế và chuyển vùng quốc tế, khoản 5 triệu đồng là ký quỹ khi nào chấm dứt hợp đồng thì trả lại... vì không phù hợp với nội dung hai bên đã thỏa thuận cũng như quy luật thông thường.

Mặt khác, trong 1,1 tỷ đồng cước phí có gần một tỷ là "cước chuyển cuộc gọi", không phải cước gọi quốc tế. Nhưng VNPT không cung cấp được các số máy đã gọi cho thuê bao của khách hàng để thực hiện dịch vụ chuyển cuộc gọi.

HĐXX nhận định, phải hiểu hợp đồng giữa các bên là "khi tiền cước phí sử dụng dịch vụ roaming vượt quá 5 triệu đồng thì Viễn thông TP HCM phải chặn cuộc gọi". Do đơn vị cung cấp dịch vụ không làm thế nên lỗi thuộc về VNPT, phải chịu hậu quả; còn khách hàng phải chịu tiền cước phí trong giới hạn đã ký kết.

Không đồng ý với phán quyết này, VNPT kháng cáo. Vụ việc đang được TAND TP HCM xem xét, dự kiến tuyên án vào ngày 21/8.

Tác giả: Hải Duyên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP