Trong nước

Có đại biểu Quốc hội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên tối đa 200 triệu đồng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân cho rằng mức phạt tối đa hiện nay còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Chiều 16-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng qua 14 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn còn một số bất cập, trong đó có mức phạt tiền. Theo đại biểu Xuân, một số quy định về mức phạt tiền tối đa hiện nay không còn phù hợp, như trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tối đa theo luật hiện hành là 75 triệu đồng, như vậy còn thấp.

Vị đại biểu lo ngại tình trạng vi phạm giao thông vẫn diễn ra ở một bộ phận người dân, trong đó không ít trường hợp "nhờn luật" do mức phạt chưa đủ sức răn đe.

Đặc biệt, có những trường hợp vi phạm với tính chất, mức độ nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm. Theo đại biểu Xuân, báo chí phản ánh rất nhiều trường hợp lái xe cố tình đi ngược chiều trên đường cao tốc, nơi có số lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều, tốc độ cao. "Nếu có một xe đi ngược chiều thì hậu quả khi va chạm sẽ rất nghiêm trọng"- vị đại biểu đoàn Đắk Lắk lo ngại.

Do đó, đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị tăng mức phạt từ 75 triệu đồng lên đến 200 triệu đồng mới "đủ sức răn đe". Bên cạnh đó, bà Xuân đề nghị cần tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông vì đây mới là biện pháp mang tính bền vững.

Cùng quan tâm nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng thời gian qua, khi nâng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ý thức người dân đã dần nâng cao, chấp hành các quy định tốt hơn.

Tại thời điểm hiện nay, mức phạt cao để tạo sự răn đe là hợp lý, tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện, khi ý thức tuân thủ quy định pháp luật của người dân được nâng cao, cần điều chỉnh sao cho phù hợp với mức thu nhập, tài sản của người dân.

Không đồng tình với đề xuất tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ lên 200 triệu đồng như đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất, đại biểu Trần Thị Vân so sánh chiếc ô tô điện hiện nay cũng chỉ hơn 200 triệu đồng, lương cán bộ, công chức có mười mấy triệu đồng, nên tăng mức phạt tối đa lên 150 - 200 triệu đồng là không hợp lý.

Tác giả: Minh Chiến - Văn Duẩn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP