|
Bộ GD-ĐT khẳng định không có bất cứ phản ánh chính thức nào về những bất cập trong thực hiện chương trình mới ở lớp 1 và kết quả kiểm tra của bộ ở một số địa phương cho thấy việc dạy học lớp 1 đã đi vào nề nếp. Nhưng hôm qua, Bộ GD-ĐT phải ban hành hướng dẫn tăng cường thực hiện chương trình giáo dục mới ở lớp 1.
Liệu có thực hiện được không khi những khó khăn trong thực hiện chương trình lớp 1 chưa được mổ xẻ, chỉ rõ?
Trước đó, trả lời truyền thông về nỗi niềm của phụ huynh và giáo viên, người phụ trách bậc giáo dục tiểu học của bộ trấn an rằng chương trình, sách giáo khoa đang triển khai ở lớp 1 do đội ngũ các nhà khoa học, giáo dục xây dựng, thẩm định với quy trình chặt chẽ và được bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Việc đánh giá "nặng" hay "nhẹ" cần xem xét trên cơ sở khoa học và thực tiễn triển khai một năm học chứ mới hơn 1 tháng thực hiện chưa đủ để nhận định.
Đúng nhưng cũng không đúng. Chương trình được xây dựng với chuẩn đầu ra cho từng năm học thì đương nhiên để có đánh giá toàn diện, cần một khoảng thời gian tương ứng.
Tuy nhiên, với những bất cập bộc lộ trong quá trình dạy học ở các trường tiểu học hiện nay, việc bộ chờ hết năm học mới tính chẳng khác nào đoạn đê có nguy cơ vỡ, nhưng phải chờ có biến mới được gia cố.
Trong một nhà trường, hiệu trưởng cho biết cô trò đã quá vất vả với môn tiếng Việt khi phải dạy hết "âm" trong tháng 9. Trẻ chưa nhớ được hết mặt chữ này đã phải chuyển sang chữ kia.
Nhiều giáo viên, phụ huynh cho biết những bài tập tiếng Việt, toán đều yêu cầu học sinh phải "đọc hiểu", vì có hiểu nghĩa mới trả lời được trong khi trẻ chưa đọc thông viết thạo.
Trẻ lớp 1 chưa biết chữ nhưng vẫn phải đến lớp với cuốn sách giáo khoa môn thể dục chi chít chữ. Trong khi theo giáo viên tiểu học, trẻ không cần đến sách, vì bài tập đã được giáo viên hướng dẫn trực tiếp. Nhưng quy định vẫn là quy định.
Phụ huynh đánh vật với con 1-2 tiếng/tối và giải pháp cuối cùng là lại mang con đến các lớp học thêm. Ban ngày học 2 buổi/ngày, nhiều trẻ vẫn phải học thêm ngoài giờ, học buổi tối.
Đừng quên Bộ GD-ĐT đã từng "cấm dạy trước lớp 1". Nhiều phụ huynh đang hối hận khi tuân thủ theo quy định này. Bởi những trẻ "học trước" còn theo kịp chương trình tiếng Việt. Trẻ "như tờ giấy trắng" đang căng thẳng trong cuộc chạy đua để... đọc thông viết thạo.
Gánh nặng lớp 1 có thể đến từ nhiều yếu tố: chương trình, sách giáo khoa, năng lực giáo viên, năng lực quản lý của các nhà trường, của ngành giáo dục mỗi địa phương.
Bộ GD-ĐT không thể yên tâm chờ một năm rồi mới đánh giá, điều chỉnh mà cần phải tìm hiểu nỗi niềm lớp 1 đến từ đâu. Vướng ở đâu để gỡ. Yếu ở đâu, gia cố ở đó. Sai ở đâu, sửa ở đó. Một chương trình tốt có thể thực hiện không tốt do nhiều nguyên nhân. Không thể chờ sau một năm học, khi đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là những đứa trẻ.
Hướng dẫn trên của Bộ GD-ĐT với những lưu ý đều đúng về mặt chủ trương. Nhưng khi các trường không thực hiện được, giáo viên, học sinh đang hoang mang và có thể sẽ vẫn tiếp tục phạm vào những điều lưu ý trong hướng dẫn thì điều cần kíp là bộ phải đi về địa phương, phải nắm sát tình hình, phải chủ động lắng nghe chứ không chờ "có phản ánh chính thức" mới ra tay.
Bộ chưa biết thì cần phải biết về những điều đang diễn ra trong quá trình dạy học lớp 1 ở các nhà trường. Biết để có giải pháp khắc phục. Nếu không thế, chương trình giáo dục mới khó thành công ngay ở bước khởi đầu.
Tác giả: Vĩnh Hà
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ