Báo cáo tại nghị trường kì họp HĐND tỉnh sáng nay, 13/12, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng cho biết, tính đến tháng 12/2018, trên toàn tỉnh bậc mầm non còn thiếu 119 giáo viên, nếu so với định mức 2 giáo viên/lớp với số lớp, số học sinh hiện có thì còn thiếu 672 giáo viên.
Bậc Tiểu học thiếu 177 giáo viên, nếu so với định mức 1.42 giáo viên/lớp thì còn thiếu 265 giáo viên.
Bậc Trung học cơ sở thừa 200 giáo viên. Trong đó một số huyện thừa nhiều như Hương Khê 80 giáo viên; huyện Đức Thọ thừa 58 giáo viên; huyện Can Lộc thừa 52 giáo viên.
Ngược lại, một số huyện thiếu cục bộ như thị xã Kỳ Anh thiếu 43 giáo viên; huyện Kỳ Anh thiếu 39 giáo viên, Can Lộc thiếu 18 giáo viên.
Đối với bậc Trung học phổ thông hiện có 2.698 biên chế giáo viên, so với kế hoạch giao năm 2018 là 2.687, do đó còn thừa 11 giáo viên.
Theo ông Dũng, nguyên nhân thừa thiếu giáo viên không phải do chủ quan trong điều hành mà do biến động từ số lượng học sinh.
“Riêng khối trung học phổ thông biến động rất lớn, năm 1991 có 34.000 học sinh, đến năm 2004 lên đến đỉnh điểm đạt 78.000 học sinh và hiện nay thì xấp xỉ 40.000 học sinh… việc biến động này dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên” – ông Dũng phân tích.
Ông Dũng thừa nhận, việc thừa thiếu giáo viên khó để giải quyết triệt để, trong đó có trách nhiệm quản lý, tham mưu của ngành chưa tốt.
Đối với vấn đề điều động, biệt phái giáo viên, ông Dũng cho biết ở các trường cấp huyện quản lý thì hiện nay một số địa phương đã tiến hành tuyển dụng một số chỉ tiêu biên chế tỉnh cho, thuyên chuyển từ trường thừa sang trường thiếu, bố trí lại cán bộ quản lý.
Bậc THPT cũng tiến hành biệt phái để từng bước khắc phục bất cập do thừa thiếu giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, đại biểu TP Hà Tĩnh nêu câu hỏi, trong quá trình điều động biệt phái giáo viên có những tồn tại, khó khăn, vướng mắc gì không, tại sao không được Sở đề cập trong báo cáo?.
Ông Dũng cho biết, các viên chức thuộc biên chế giáo dục thì phải thực hiện biệt phái theo nghĩa vụ.
Đối với các đối tượng được miễn trừ nhưng bị điều động biệt phái là sai, còn không thuộc diện miễn trừ thì phải tuân thủ theo quy định.
Hiện nay những nơi thiếu giáo viên cần được biệt phái tới hầu hết đều khó khăn, do ngành giáo dục có đặc thù, giáo viên đi biệt phái vất vả nên Sở ra quy định thời gian đi biệt phái là 10 tháng.
Không được lợi dụng biệt phái
Ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thừa thiếu giáo viên là câu chuyện chung của toàn quốc, tuy nhiên trong khung chung thì phải đảm bảo, học sinh đủ tuổi thì phải được đến trường.
Ông Đặng Quốc Khánh |
Quan điểm của biệt phái giáo viên phải công bằng, khách quan, minh bạch. Điều từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, ưu tiên biệt phái gắn với hoàn cảnh gia đình, không được lợi dụng để biệt phái.
Hiện nay có dư luận cho rằng việc biệt phái có vấn đề, UBND tỉnh đang yêu cầu Sở GD&ĐT để báo cáo lại việc này. Rà soát lại danh sách giáo viên được biệt phái.
“Có nhiều cô, thầy nhà ở thành phố sẵn sàng đi xa biệt phái, họ đi biệt phái chưa biết khi nào được về, nhưng vẫn đi. Trong khi đó, có trường biệt phái người bộ môn thừa đi lại điều người bộ môn thừa khác về. Lý do là gì, việc này có vấn đề không?” – ông Khánh hỏi.
Nếu biệt phái người này đi rồi đưa người khác về cùng bộ môn mà không đúng tiêu chuẩn thì phải xử lý nghiêm. Quan điểm của UBND tỉnh nếu phát hiện biệt phái sai thì phải chuyển ngược lại chỗ cũ.
Tác giả: Lê Minh
Nguồn tin: Báo VietNamNet