Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (13/8), cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, đóng cửa ở mức giá 156.100 đồng/cổ phiếu, giảm 0,7% so với phiên cuối tuần trước. Cổ phiếu này một lần nữa bị khối ngoại bán ròng với khối lượng 383.940 đơn vị, đánh dấu phiên bán ròng thứ 11 liên tiếp của khối ngoại.
Với giá khớp lệnh cuối cùng ở mức 156.100 đồng, ước tính giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài với VNM trong phiên hôm nay gần 60 tỷ đồng.
Tính tổng 11 phiên giao dịch gần nhất, khối ngoại đã "tháo" tổng cộng hơn 10,2 triệu cổ phiếu VNM, với tổng giá trị lên tới 1.528 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lượng mua vào chỉ đạt hơn 4,79 triệu cổ phiếu, với 721 tỷ đồng.
Như vậy, trong 11 phiên gần nhất, khối ngoại đã bán ròng hơn 5,46 triệu cổ phiếu VNM, giá trị giao dịch hơn 800 tỷ đồng.
|
Trong khi các nhà đầu tư ngoại tháo chạy khỏi Vinamilk thì một lần nữa tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi lại tỏ rõ ý đồ gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại doanh nghiệp này, thông qua quỹ ngoại F&N Dairy Investments (thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi).
Sau khi nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại VNM lên 251,2 triệu cổ phiếu, tương đương 17,31% vốn vào tháng 6 vừa qua, quỹ đầu tư này đã tiếp tục thông báo đăng ký mua hơn 14,5 triệu cổ phiếu VNM, với mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 14/8 tới 12/9. Đây cũng là lần thứ 6 từ đầu năm đến nay, F&N Dairy Investments đăng ký mua cổ phiếu VNM.
Ở 5 lần đăng ký mua trước đó, chưa khi nào quỹ ngoại này mua được quá một nửa số cổ phiếu đăng ký.
Nếu giao dịch lần này thành công, F&N Dairy Investments sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 17,31% lên 18,31%, tương đương gần 266 triệu cổ phiếu.
Tại Vinamilk, ngoài F&N Dairy Investments là cổ đông lớn thứ 2 sau SCIC, tỷ phú Thái còn sở hữu quỹ F&N BEV Manufacturing nắm giữ tổng cộng 39,1 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 2,7% vốn doanh nghiệp. Thông qua 2 quỹ đầu tư Singapore này, tỷ phú Thái đang sở hữu tổng cộng 20,01% vốn và lợi ích tại Vinamilk.
Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Ảnh: Getty images. |
Diễn biến trái ngược của các nhà đầu tư và cổ đông ngoại sở hữu cổ phiếu VNM diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh nửa năm với khoản lãi ròng giảm 8%.
Cụ thể, riêng trong quý 2, Vinamilk ghi nhận tổng cộng 13.700 tỷ đồng doanh thu, tăng 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao khiến lãi gộp công ty giảm nhẹ xuống mức 6.469 tỷ đồng, giảm biên lợi nhuận gộp từ 49% xuống còn 47,2% trong quý II.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, Vinamilk đạt tổng cộng 25.823 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% nhưng lãi ròng thu về lại giảm 489 tỷ, xấp xỉ 8% xuống 5.368 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II, Vinamilk ghi nhận 36.184 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm tới 73%. Công ty tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ phải trả ở mức 9.647 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải trả người bán, và vay ngắn hạn, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,36 lần.
|
Lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn vẫn duy trì ở mức trên 10.000 tỷ đồng, bao gồm 1.343 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cùng gần 8.800 tỷ tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới 1 năm.
Công ty mới đây cũng đã thông báo ngày 6/9 tới sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành hơn 290,24 triệu cổ phiếu thưởng do tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành là 5:1, tương ứng cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu được nhận về 1 cổ phiếu mới.
Dự kiến sau phát hành, Vinamilk sẽ tăng vốn điều lệ lên trên 17.414 tỷ đồng.
Với tỷ lệ này, 2 quỹ thuộc sở hữu của tỷ phú Thái là F&N Dairy Investments và F&N BEV Manufacturing sẽ nâng tổng lượng cổ phiếu VNM sở hữu lên con số 348,5 triệu nhưng vẫn giữ nguyên tỷ lệ 20,01% vốn tại đây.
Tác giả: Quang Thắng
Nguồn tin: zing.vn