Vận đen" Phước Kiển
Hội nghị Trung ương lần thứ 9 vừa khai mạc sáng 25/12, một trong những nội dung được chú ý là xem xét và thi hành kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy UBND TP.Hồ Chí Minh.
Trước đó, từ ngày 3-6/12, tại kỳ họp thứ 32, Uỷ ban kiểm tra Trung ương (UBKTTW) cũng đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 31 của cơ quan kiểm tra.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKTTW đề nghị Bộ Chính trị, BCH TƯ xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Cang.
Ông Tất Thành Cang đang đối mặt với "án" kỷ luật do quyết định chủ trương bán 32,4ha đất Phước Kiển (ảnh) cho công ty Quốc Cường Gia Lai. |
Trước đó, tại kỳ họp thứ 31 diễn ra từ ngày 12 đến 14/11/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã kết luận những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Cụ thể, ông Tất Thành Cang đã vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc trong việc quyết định chủ trương chuyển nhượng 32,4ha đất công của công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (doanh nghiệp có 100% vốn của Thành ủy TP.HCM) cho công ty Quốc Cường Gia Lai với giá “bèo”, gây thiệt hại cho ngân sách Đảng bộ Thành phố hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang cũng đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. |
Liên quan đến sai phạm của Phó Bí thư thường trực Thành ủy UBND TP.Hồ Chí Minh, công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCGL) vừa trải qua một năm đã khó khăn lại thêm tai tiếng.
Cụ thể, ngày 5/6/2017 công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng phần đất nói trên cho công ty Quốc Cường Gia Lai với giá chuyển nhượng trên hợp đồng là 1.290.000 đồng/m2.
Ngày 18/4/2018, ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ra thông báo yêu cầu công ty Tân Thuận huỷ hợp đồng chuyển nhượng này với lý do là việc chuyển nhượng chưa được công ty Tân Thuận báo cáo tập thể Thường trực và tập thể ban Thường vụ Thành uỷ.
Sau này Quốc Cường Gia Lai đã được trả lại tiền, song tai tiếng về chuyện có hay không việc “đi đêm” với người ra quyết định để được mua đất công giá rẻ thì vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngay giữa “tâm bão” lùm xùm vụ Phước Kiển, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp, cuốn bay 1/3 giá trị vốn hoá, tương đương 1.100 tỷ đồng của doanh nghiệp. Chủ tịch QCG, bà Nguyễn Thị Như Loan đã phải gửi thông cáo tới báo chí để “thanh minh” về vụ việc trên.
Bà Loan cho rằng lô đất này không phải đất công mà là đất do công ty Tân Thuận phải đi thương lượng mua của dân và khi không đủ năng lực tài chính mới phải nhượng lại cho QCG để thương lượng và mua tiếp. Bản thân doanh nghiệp phải chi tiền mua về và cải tạo nhiều.
"Chúng tôi là doanh nghiệp lớn, trước nay làm ăn có uy tín, đóng nộp ngân sách đầy đủ, tạo hàng nghìn công ăn việc làm, nay bị đối xử vậy có đáng không? Làm doanh nghiệp sao thiệt thòi vậy", bà Như Loan trần tình.
Thiếu gia bỏ đi, bà chủ bị "khui" hàng loạt thương vụ ngầm
Không chỉ bị tai tiếng khiến cổ phiếu rớt giá, uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chính vụ lùm xùm mua đất công giá rẻ tại khu dân cư Phước Kiển này còn khiến một dự án Phước Kiển khác với đối tác khác (là công ty Sunny Island) của Quốc Cường Gia Lai bị hiểu nhầm. Trong năm 2018, dự án Phước Kiển thứ hai này cũng là một gánh nặng đối với Quốc Cường Gia Lai.
Công ty Quốc Cường Gia Lai vừa trải qua một năm lận đận. |
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý 3/2018 do QCGL công bố, doanh thu quý 3/2018 của Quốc Cường Gia Lai công ty này giảm 73%, lợi nhuận giảm tới 98% do tồn kho bất động sản quá lớn, trong đó chủ yếu là dự án Khu dân cư Phước Kiển bị đọng vốn tới 4.800 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9, giá trị hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai là hơn 6.300 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tồn kho từ bất động sản dở dang là 5.800 tỷ đồng. Cụ thể, giá trị hàng tồn kho tại dự án Khu dân cư Phước Kiển là hơn 4.800 tỷ đồng, dự án De Capella hơn 457 tỷ đồng, dự án khu dân cư Lô 4: 148 tỷ đồng, dự án chung cư Quốc Cường Gia Lai II: 1,13 tỷ đồng, dự án Tân Phong 442 tỷ đồng, và các dự án khác 3,62 tỷ đồng.
Năm 2018, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, Quốc Cường Gia Lai mới hoàn thành 29% doanh thu và 18% lợi nhuận.
Tính đến 30/9/2018, Quốc Cường Gia Lai có khoản nợ phải trả hơn 7.800 tỳ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên đến 7.600 tỷ đồng (trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 3.800 tỷ đồng).
Giữa lúc khó khăn chồng chất, mới đây thiếu gia nhà QCGL – doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) - cùng lúc rời bỏ hai chiếc ghế lãnh đạo là Phó Tổng giám đốc và Thành viên Hội đồng quản trị, “vì lý do cá nhân”, sau 12 năm gắn bó.
Ông Cường lựa chọn rời tập đoàn gia đình để ra ngoài phát triển sự nghiệp kinh doanh của riêng mình, cụ thể là cùng vợ sắp cưới – người mẫu Đàm Thu Trang – mở một nhà hàng sang trọng ở TP.Vũng Tàu.
Chưa hết, vận hạn của QCGL còn được thể hiện qua vụ bị khui ra hàng loạt “giao dịch chui” giai đoạn 2013 – 2017 với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan, đã phải ký văn bản gửi sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) giải trình về “những giao dịch bất thường” tại công ty này, cụ thể là các giao dịch góp và thoái vốn.
Văn bản giải trình có nêu rõ trong khoảng thời gian từ ngày 24/1/2013 - 26/8/2017, QCG có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng với tổng giá trị các giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, có những giao dịch có quy mô rất lớn như thương vụ nhận chuyển nhượng cổ phần của QCG với bà Lê Thị Kim Chính trong công ty CP Quốc Cường Liên Á với giá trị nhận chuyển nhượng 127,46 tỷ đồng. Trong đó, QCG nhận chuyển nhượng 24,75% vốn điều lệ tương đương gần 6,2 triệu cổ phần của bà Lê Thị Kim Chính.
Hay như thương vụ QCG đồng ý chuyển nhượng 94% phần vốn góp của mình trong Công ty TNHH Phú Việt Tín. Trong đó, khoản 76 tỷ đồng phần vốn góp tương đương 40% vốn điều lệ Phú Việt Tín được chuyển nhượng với giá 340 tỷ đồng cho công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng. Phần 102,6 tỷ đồng vốn góp tương ứng 54% còn lại được chuyển nhượng cho công ty CP Biệt thự Thành phố với giá 459 tỷ đồng...
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị QCGL thừa nhận đã thiếu sót khi không công bố thông tin kịp thời mà chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch tại báo cáo tài chính được công bố thông tin theo quy định khi hoàn tất.
Bà Loan giải thích, do liên tục có sự thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp nên quá trình cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế và hiểu chưa đúng về nội dung, thời hạn công bố thông tin “nên không tránh khỏi thiếu sót”.
Tác giả: Minh Minh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin