Theo ông Nguyễn Văn Hùy, người mua cây sưa 200 năm tuổi trị giá 26 tỷ đồng ở đình làng thôn Đông Cốc (Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) đến thời điểm hiện tại, số gỗ sưa thu được sau buổi chặt hạ ngày 25/3 vẫn để tại kho của gia đình tại Đồng Kỵ.
Trước câu hỏi sẽ bán số gỗ sưa trên cho khách hàng trong nước hay khách Trung Quốc, ông Hùy không trả lời thẳng mà cho rằng, sẽ xem xét và quyết định sau.
"Để xem khách hàng họ đặt tiền thế nào đã rồi mình mới quyết định làm hàng bán còn giờ vẫn cứ để trong kho", ông Hùy nói.
Cũng theo thông tin, để mua được cây gỗ sưa trị giá 26 tỷ đồng này, ngoài ông Hùy là người đứng ra đại diện thì còn có một số người khác cũng kinh doanh gỗ cùng tham gia góp tiền.
Nói về mức giá mua, vị "đại gia" này cho rằng, mức giá 26 tỷ đồng không hề rẻ như một số ý kiến đưa ra mà là "thấy hợp lý thì quyết định mua".
Giải thích thêm về việc chia tiền bán cây sưa cho người dân thôn Đông Cốc, ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn cho hay, cộng đồng dân cư cho rằng, cây sưa này là lộc trời, thánh của thôn nên đề xuất chia.
Sau khi có đề xuất, UBND xã đã báo cáo lên huyện, lên UBND tỉnh Bắc Ninh và nhận được sự đồng ý về việc chia tiền này.
Ông Hiến khẳng định, việc chia này hoàn toàn công khai, minh bạch, dân chủ và do chính cộng đồng dân cư quyết định.
Chủ tịch UBND xã Hà Mãn cho biết thêm, gia đình ông đang sinh sống và có khẩu tại làng Đông Cốc nên được chia số tiền 10 triệu đồng/ nhân khẩu giống như những người dân khác.
"Gia đình tôi có 4 nhân khẩu nên cũng được chia số tiền tương ứng như các nhân khẩu khác trong làng, tổng cộng được 40 triệu đồng, không có gì hơn", ông Hiến nói.
Ngoài ra số tiền đã được chia cho người dân trong làng, người dân chuyển đi nơi khác, phụ nữ đi lấy chồng khoảng 17 tỷ đồng thì số còn lại khoảng hơn 9 tỷ đồng, theo ông Hiến, vẫn đang được gửi tại ngân hàng và do cộng đồng dân cư quản lý, giám sát.
Tới đây, số tiền này sẽ được dùng vào việc sửa sang, tu bổ các công trình di tích, đồng thời, xây dựng công trình phúc lợi tập thể. UBND xã sẽ tiến hành giám sát việc quản lý cũng như sử dụng số tiền này.
Lãnh đạo xã Hà Mãn cũng nêu rõ, ngoài cây sưa 200 năm tuổi đã được chặt hạ, bán, trong khuôn viên đình làng Đông Cốc vẫn còn một số cây sưa và cây có tuổi thọ chừng 400 năm là quý nhất.
Hiện cây này vẫn phát triển tốt, cành lá xanh tươi và được nhân dân bảo vệ, trông nom kỹ càng.
Tác giả bài viết: Hoàng Đan
Nguồn tin: