Sáng 14/3, trong căn nhà nhỏ trong một con hẻm ở phường Hưng Dũng (TP Vinh), vợ chồng ông Lê Bá Nghị (83 tuổi), tất bật lo đám giỗ cho cậu con trai thứ 2 - liệt sỹ Lê Bá Giang. Anh Giang là một trong 64 chiến sỹ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma tròn 30 năm trước.
Đây cũng là lần đầu tiên, ngày âm lịch (27 tháng Giêng) mà gia đình các liệt sỹ lấy làm ngày giỗ trùng với ngày dương của 30 năm trước (14/3/1988). Một ngày trước, ông Nghị dù tuổi đã cao nhưng vẫn nhờ cậu con trai út chở vào biển Hà Tĩnh để cùng với những đồng đội của anh Giang thả hoa đăng xuống biển cho con.
Mẹ liệt sỹ Giang, bà Nguyễn Thị Nhị. Ảnh: Tiến Hùng |
“Lúc đó Giang chỉ vừa tròn 20 tuổi. Còn trẻ quá cháu ạ. Nó còn chưa kịp có người yêu”, mẹ liệt sỹ Giang, bà Nguyễn Thị Nhị (76 tuổi), gạt nước mắt nói. Bà kể, sau khi học xong lớp 10 (hệ 10/10), tháng 3/1987, Giang nhập ngũ. Sau ít tháng huấn luyện, Giang được nghỉ phép một tuần để về thăm gia đình. Đó cũng là lần cuối ông bà được nhìn thấy mặt cậu con trai.
Cuối năm 1987, gia đình nhận được tin nhắn Giang sẽ hành quân vào đơn vị ở Cam Ranh (Khánh Hòa), bằng tàu hỏa. “Lúc đó nó nhắn về, tàu sẽ chạy qua ga Vinh ngày 29 Tết và dừng ở đó 5 phút, nó ngồi ở toa gần cuối”, ông Nghị kể. Bà Nhị sau đó vội vã gói cho cậu con trai 2 chiếc bánh chưng và 2 chiếc bánh tày để kịp gửi cho Giang.
Sợ tàu chạy sớm, từ ngày 28 Tết, ông Nghị cùng anh trai đầu của Giang là Lê Bá Tuất mang món quà “hương vị quê hương” đón sẵn ở ga Vinh. Tuy nhiên, trong suốt 2 ngày chờ chực ở đây, lần tìm trong hàng chục đoàn tàu nhưng hai người vẫn không gặp được. Món quà ấy cuối cùng ấy, vì thế không đến được tay anh. Chưa đầy một tháng sau, Giang hy sinh.
“Vì thế mà những lần giỗ trước, chẳng lần nào thiếu cặp bánh chưng trên bàn thờ cả. Năm nay cũng vậy”, bà Nhị nói, cầm trên tay tấm huân chương và bức ảnh duy nhất của cậu con trai.
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của Trung Quốc lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội ta.
Trong trận chiến bảo vệ chủ quyền khiến 64 chiến sỹ hy sinh đó, có đến 8 người quê ở Nghệ An. Cũng như vợ chồng ông Nghị, bà Hoàng Thị Thìn - mẹ liệt sỹ Cao Đình Lương ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành nói rằng, trong suốt 30 năm qua, nhiều đêm bà nằm khóc một mình chỉ vì nhớ con.
Mẹ Thìn năm nay đã 91 tuổi. Mẹ vẫn luôn tự hào con trai mẹ hát hay, đàn giỏi. Năm 18 tuổi, anh trúng tuyển vào Đoàn dân ca Nghệ An thì nhận được giấy gọi nhập ngũ. Lần về phép năm 1986, mẹ nói đùa “khi mô về lấy vợ đi con”?. Lúc đó, anh Lương chỉ cười hiền bảo “đời lính, bắt người ta vò võ đợi mình là làm khổ họ” rồi hứa khi nào xuất ngũ trở về sẽ lập gia đình. Nhưng lời hứa với mẹ đó anh mãi mãi không thực hiện được.
Tất cả kỷ vật về anh chỉ có vỏn vẹn tấm ảnh chân dung trong bộ quân phục hải quân. Cầm trên tay tấm ảnh con, mẹ Thìn nghẹn ngào: “Ngày xưa nhà nghèo, mẹ không đủ gạo nấu cho con ăn. Bây giờ, cuộc sống no đủ rồi thì con không còn nữa”.
Vợ liệt sỹ Phan Huy Sơn chăm sóc cho cậu con trai tật nguyền. Anh Sơn hy sinh con trai chỉ vừa 4 tuổi còn con gái vẫn còn trong bụng mẹ. Ảnh. Hiến Tùng |
Ngoài anh Giang, anh Lương, những người con Nghệ An hy sinh ở trận chiến Gạc Ma còn có các liệt sỹ gồm Trần Văn Minh (sinh 1963), cấp bậc: Thiếu úy QNCN, chức vụ: Máy trưởng tàu HQ-604. Quê anh Minh ở một ngôi làng gần biển thuộc xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu. Ngày mẹ anh nhận được giấy báo tử, cũng là ngày đứa con trai thứ hai của mẹ gặp nạn trên biển không trở về. Thi hài của cả hai đến nay đều chưa được tìm thấy.
Liệt sỹ Nguyễn Tất Nam (sinh 1967), cấp bậc: Hạ sĩ, chức vụ: Chiến sĩ hàng hải tàu HQ-604. Liệt sỹ Nam quê ở xã Thượng Sơn, Đô Lương. Ba năm tòng quân, anh chưa về thăm nhà một lần. Nam là con cả trong số 5 anh chị em. Kỷ vật cuối cùng mà anh gửi về cho mẹ và các em là chiếc xe đạp và mấy dòng ngắn ngủi “Con ra ngoài đảo nên không dùng đến chiếc xe đạp này nữa đâu mẹ ạ. Con gửi về để các em con có cái xe đạp để tập đi, chắc bọn chúng sẽ thích lắm mẹ nhỉ?”…
Liệt sỹ Hồ Văn Nuôi (sinh 1967), cấp bậc: Trung sĩ, chức vụ: Chiến sĩ - Lữ đoàn 146. Anh Nuôi quê ở xã Nghi Tiến, Nghi Lộc. Cũng là một ngôi làng chuyên làm nghề đi biển. Ngày nhận được tin con trai hy sinh, bố anh đi lang thang dọc bờ biển ngóng chờ con. Năm 2009, một phần hài cốt anh Nuôi được tìm thấy trong tàu HQ-604 bị bắn chìm và đưa về chôn cất tại quê nhà.
Liệt sỹ Phan Huy Sơn (sinh 1962), cấp bậc: Chuẩn úy QNCN, chức vụ: Y sĩ - Lữ đoàn 146. Anh Giang quê ở Diễn Nguyên, Diễn Châu. Anh hy sinh khi cậu con trai đầu chỉ mới 4 tuổi còn con gái vẫn còn trong bụng mẹ.
Liệt sỹ Đậu Xuân Tư (sinh 1964), cấp bậc: Hạ sĩ, chức vụ: A trưởng - Lữ đoàn 146. Quê quán ở Nghi Yên, Nghi Lộc. Ba năm từ khi vào bộ đội cho đến ngày hy sinh, anh Tư chưa một lần về thăm nhà. Mất con, mẹ anh khóc đến lòa cả hai mắt.
Liệt sỹ Phạm Văn Dương (sinh 1967), cấp bậc: Hạ sĩ, chức vụ: A trưởng - Lữ đoàn 146. Anh Dương quê ở xã Nam Kim, Nam Đàn. Trước khi hy sinh, anh Dương còn gửi thư về dặn dò gia đình và đặt tên cho người cháu con của anh trai….
Tác giả: Tiến Hùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An