Trong nước

Các cơ quan tư pháp đã hoàn thành khối lượng công việc lớn

Quốc hội đã dành ngày 13/11 để thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2018.

Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội trong nước có những chuyển biến tích cực và để có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC.

Các cơ quan đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, nỗ lực, cố gắng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, theo tinh thần CCTP và các Luật, Bộ luật mới được ban hành, đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được tiến hành đồng bộ, có chất lượng đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và hội nhập quốc tế của nước ta. Việc thực hiện nhiệm vụ đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cũng cho rằng tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng như tội phạm giết người, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội xâm phạm tình dục trẻ em, tội xâm phạm tài sản... gây lo lắng bất bình trong nhân dân. Số lượng vi phạm pháp luật hành chính rất lớn trong đó có nhiều vi phạm hành chính nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự nhưng không bị xử lý hình sự. Dư luận và cử tri cho rằng một số trường hợp có biểu hiện hành chính hóa quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

Đa số các ĐBQH thống nhất đánh giá: với quyết tâm chính trị cao, tinh thần là không có vùng cấm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 có chuyển biến rõ, tích cực hơn. Nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn đã được đưa ra xét xử, được nhân dân và dư luận đồng tình, đánh giá cao, củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng, chưa nêu các chuyển biến nổi bật của công tác này so với năm 2017.

Đáng chú ý, Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC được số các ĐBQH đồng tình và cho rằng năm 2018, công tác xét xử của Tòa án các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nguyên tắc công khai trong xét xử và tranh tụng được thực hiện tốt hơn. Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý và giải quyết tăng nhiều so với năm 2017 nhưng tỷ lệ giải quyết án bảo đảm trong thời hạn luật định. TANDTC đã có nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nhiều nghị quyết áp dụng thống nhất pháp luật, áp dụng án lệ, áp dụng công nghệ thông tin trong công khai bản án, tiếp nhận giải quyết đơn thư…, được các ĐBQH đánh giá cao. Năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan, cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đảm bảo đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan tiếp tục giảm và đạt chỉ tiêu yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội…

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Về Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, đa số ý kiến cho rằng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND các cấp có những chuyển biến tích cực. Đã khởi tố, điều tra nhiều vụ phạm tội của các chức danh tư pháp; Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn và đúng tội danh vượt chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội….

Vấn nạn “tham nhũng vặt”

Đa số các ĐBQH đánh giá, với quyết tâm chính trị cao, tinh thần là không có vùng cấm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 có chuyển biến rõ, tích cực hơn, nhưng vẫn còn những vấn đề cần lưu tâm.

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), bên cạnh các loại tội phạm tham nhũng lợi dụng những sơ hở trong cơ chế để trục lợi chính sách như nhóm lợi ích, sân sau, công ty gia đình…thì còn vấn nạn "tham nhũng vặt". Đây là loại tội phạm nhũng nhiễu trong khu vực hành chính, dịch vụ công và gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Nếu các nhóm tham nhũng, trục lợi chính sách là nguyên nhân làm suy kiệt nền kinh tế thì "tham nhũng vặt" với số lượng đông đảo cũng có sức ảnh hưởng lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội, làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền. Tuy nhiên, xử lý loại tội phạm này không dễ vì số lượng đông, diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trong nhiều lĩnh vực, đến mức như “thói quen”, rất nguy hiểm. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, thực hiện công khai minh bạch kê khai tài sản công tác cán bộ. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng; Có biện pháp hữu hiệu để kê biên, tịch thu tài sản tham nhũng.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bình luận: Qua báo cáo cũng cho thấy vi phạm, tội phạm tranh chấp, khiếu kiện hành chính diễn biến phức tạp, hầu hết tăng nhưng riêng tham nhũng tăng 32,23%, tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng. Theo ĐB, Đảng, Chính phủ quyết liệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm hết sức, Công an rất tích cực, Tòa án xét xử liên tục như vậy mà vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng, nên bên cạnh việc quyết liệt hơn, nghiêm khắc hơn, cần phải phát huy tính gương mẫu, tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi một cán bộ Đảng viên, nên thực hiện theo quy định là chủ động từ chức.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) kiến nghị: phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để xử lý nghiêm các vụ án. Ngoài ra cũng cần có sự phối kết hợp với các cơ quan khác để xử lý tội phạm. Trường hợp 7 thanh niên tử vong trong đêm nhạc ở Hà Nội hoặc bảo kê ở chợ Long Biên hoặc những hiệp sỹ đường phố ở TP Hồ Chí Minh bị giết chết...việc điều tra, khởi tố còn rất chậm, ĐB nêu.

Theo ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) thì Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC đã có nhiều biện pháp đồng bộ giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ để phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, ĐB cũng chỉ ra những vấn đề nổi cộm, vụ việc vi phạm kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới được phát hiện. Đó là công tác quản lý nhà nước về tài sản công, quản lý đất đai còn lỏng lẻo, gây thất thoát lớn; công tác quản lý người nghiện ma túy, người tâm thần còn thiếu chặt chẽ; việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để một số đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự… ĐB Tuấn đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, tập trung giải quyết.

Nhiều ĐBQH cũng chỉ rõ, một số VKSND chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo về tội phạm. Số trường hợp bị bắt, tạm giữ về hình sự tuy giảm nhưng số trường hợp phải trả tự do hoặc chuyển xử lý hành chính tăng. Tiến độ chất lượng giải quyết một số vụ án, chất lượng tranh tụng trong một số trường hợp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xét, phê chuẩn các biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp chưa đúng pháp luật. Đáng lưu ý, còn 24 người bị oan, có phần trách nhiệm của VKS. Tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với các vụ án kinh tế chức vụ, tham nhũng còn nhiều…

Các ĐBQH cũng đề cập đến vấn đề cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan đầu tư cho các cơ quan tư pháp, nhất là Tòa án, VKS cấp huyện, các cơ sở giam giữ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC có giải pháp chủ động triển khai thi hành các Bộ luật, Luật, Nghị quyết về tư pháp và ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; UBTVQH giải thích một số quy định mới của BLHS 2015, BLTTHS năm 2015; Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp.

Tác giả: Mai Thoa

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP