Nói về nguyên nhân thua lỗ, Vinafood 2 cho hay chủ yếu do thị trường xuất khẩu gạo gặp sự cạnh tranh khốc liệt. Gạo cao cấp chủ yếu do Thái Lan chiêm thị phần lớn gặp khó khăn trong chương trình thu mua lúa giá cao cho nông dân dẫn đến tồn kho lớn và phải hạ giá để xả hàng tồn kho. Thị trường gạo cấp thấp thì do ấn độ được mùa nên cũng tăng cường cạnh tranh để xuất khẩu.
Lý giải một trong những nguyên nhân gây lỗ năm 2014 gần 900 tỷ đồng, Vinafood 2 cho biết: Khi Việt Nam trúng thầu 800.000 tấn gạo Philippines, trong đó Vinafood 2 trúng thầu 600.000 tấn, giá gạo trong nước lại tăng cao. Việc thực hiện hợp đồng này đã khiến Vinafood 2 lỗ tới hơn 213 tỷ đồng.
Vinafood 2 giải thích thêm: Khi Vinafood 2 trúng thầu 600.000 tấn gạo 15% tấm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phân bổ cho các hội viên để thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, do tình hình giá cả biến động tăng cao, nên 74 hội viên được phân bổ chỉ tiêu đã có văn bản trả lại không thực hiện. Do Vinafood 2 là thương nhân đầu mối và là đơn vị trúng thầu nên phải có trách nhiệm thực hiện hợp đồng đã trúng thầu.
Còn năm 2015, Vinafood 2 thừa nhận tình hình tài chính đang đứng trước nguy cơ tiệm cận với giới hạn không lành mạnh do kết quả kinh doanh 2014 tiếp tục thua lỗ. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp, Vinafood 2 đã ngăn chặn được lỗ, từng bước có lãi. Năm 2015 lãi trước thuế đạt hơn 155 tỷ đồng.
Nhờ thế, số lỗ lũy kế đến cuối 2015 của Vinafood 2 còn hơn 948 tỷ đồng.
Vinafood 2 cho hay tổng số nợ phải thu đến cuối 2015 là hơn 2.337 tỷ đồng. Trong đó, có tới 653 tỷ đồng là nợ khó đòi. So với 2014 thì số nợ khó đòi đã giảm được gần 50 tỷ đồng.
Vinafood 2 kiến nghị cơ quan chức năng có cơ chế đặc thù cho tổng công ty về xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi và tài sản không cần dùng chờ thanh lý, không đủ điều kiện để xử lý theo quy định hiện hành khi thực hiện cổ phần hóa.
Đặc biệt, Vinafood 2 hồi tháng 3/2016 còn kiến nghị xem xét và trình Thủ tướng đưa Tổng công ty ra khỏi diện tăng cường giám sát, nhằm tạo điều kiện cho Tổng công ty trong quan hệ tín dụng với các ngân hàng.
Hồi cuối 2015, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận Thanh tra Vinafood 2. Nhiều sai phạm đã được chỉ ra. Trong đó đáng chú ý là công ty mẹ đã thực hiện cho vay và bảo lãnh vay vốn trái quy định cho một số đơn vị với số tiền lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.
Hậu quả là Vinafood 2 phải trả nợ thay cho một số khoản của đơn vị thành viên...với tổng số này lên tới khoảng 258 tỷ đồng.
Ngoài việc xử lý tài chính với tổng số tiền lên tới 205 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài Chính cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Vinafood 2 thực hiện chỉ đạo kiểm điểm và xử lý theo quy định đối với các cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn sai quy định với số tiền 9.920 tỷ đồng và gần 63 triệu USD.
Tháng 7 năm nay, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, khám xét nơi ở, nơi làm việc với Huỳnh Văn Thông (Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang) và Đặng Hoàng Việt (Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Dù đang thua lỗ gần 1.000 tỷ đồng nhưng năm 2015, lương của người quản lý ở Vinafood 2 là khoảng xấp xỉ 30 triệu đồng. đặc biệt, năm 2016, xây dựng kế hoạch lương của người quản lý, Vinafood 2 còn mạnh tay nâng lên 45 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 15 triệu đồng so với năm 2015. Với mức thu nhập này, 1 năm “sếp” của Vinafood 2 có thể lĩnh được hơn 545 triệu đồng/năm. So với năm 2014, mức lương của năm 2015 của các sếp Vinafood 2 cũng đã tăng gấp hơn 3 lần (năm 2014 lương sếp Vinafood 2 là hơn 9 triệu đồng/tháng). Như vậy, kể từ 2014 đến nay, lương lãnh đạo quản lý ở Vinafood 2 đã tăng tới 5 lần. |
Tác giả bài viết: Lương Bằng