Trong nước

Bộ Tài chính đề xuất khoán xe công bắt buộc từ cấp thứ trưởng

Theo bộ Tài chính, những chức danh có hệ số chức vụ từ 1,25 trở lên nếu cần xe đưa đón từ nhà phải được cấp trên xem xét quyết định, còn lại sẽ bắt buộc khoán xe hoàn toàn.

Trong dự thảo thay thế Quyết định 32 về ô tô công của bộ Tài chính mới đây, nhiều đề xuất mới cũng thể hiện tính đột phá trong quyết tâm giải quyết số lượng xe công "khổng lồ" khiến dư luận đặc biệt quan tâm thời gian vừa qua.

Theo dự thảo, những lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên tới cấp thứ trưởng và tương đương, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước, sẽ thực hiện khoán bắt buộc kinh phí sử dụng xe công đưa đón từ nhà tới cơ quan và ngược lại. Nếu đi công tác sẽ sử dụng xe công phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán tự nguyện.

Với lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 0,7 đến dưới 1,25 và các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, sẽ được tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe đi công tác hoặc dùng xe công phục vụ chung (nếu có).

Về mức khoán, bộ Tài chính đưa ra 2 phương án, phương án đầu là tính thẳng chi phí khoán vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng (điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng hoặc giảm trên 20%). Phương án còn lại có thể xác định mức khoán là 16.000 đồng/km, hoặc theo đơn giá phương tiện công cộng, do lãnh đạo bộ ngành, địa phương quyết định.

Sau khi thực hiện khoán bắt buộc xe đưa đón từ nhà tới nơi làm việc với lãnh đạo, trường hợp cần thiết phải bố trí xe đưa đón tại nhà, để chặt chẽ thì phải trình các cấp lãnh đạo cao hơn xem xét, phê duyệt.



Bộ Tài chính cũng đề xuất cắt giảm mạnh số xe công phục vụ công tác chung trang bị cho các đơn vị nhà nước, với mục tiêu giảm từ 30-50% số xe công tới năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Với cơ quan Trung ương (bộ ngành), quy định hiện hành cho phép mỗi cục được trang bị 2 xe, mỗi vụ 1 xe, nên bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, giảm định mức sử dụng xe công của các cục, vụ thuộc bộ xuống còn 1 xe/1 đơn vị (với đơn vị biên chế từ 50 người trở lên) và 1 xe/2 đơn vị (với đơn vị biên chế dưới 50 người). Riêng văn phòng bộ được tăng thêm 2 xe đế phục vụ công tác chung cho các chức danh thứ trưởng và tương đương khi đi công tác.

Phương án 2, giảm còn 1 xe phục vụ 2 đơn vị (với đơn vị biên chế từ 50 người trở lên) và 1 xe phục vụ 3 đơn vị (với đơn vị biên chế dưới 50 người). Riêng văn phòng bộ được bố sung thêm 2 xe đế phục vụ công tác chung cho các chức danh thứ trưởng và tương đương khi đi công tác.
Việc quản lý xe được thực hiện theo phương thức tập trung, do 1 đơn vị quản lý và bố trí cho các lãnh đạo đơn vị đi công tác.

Với các cấp thấp hơn, dự thảo của bộ Tài chính cũng đề xuất "siết" mức xe phục vụ chung xuống như trước kia. Cứ 2 đơn vị trong 1 tổng cục có 1 xe phục vụ chung thì nay sẽ tăng lên đến 3 đơn vị 1 xe phục vụ chung. Riêng sở ngành chỉ có 1 lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 0,7 trở lên (đủ tiêu chuẩn sử dụng xe công phục vụ công tác chung), bộ Tài chính đề xuất không bố trí xe công mà thực hiện khoán kinh phí hàng tháng.

Sau khi đưa ra những phương án trên, bộ Tài chính tính toán, nếu lựa chọn thực hiện theo các phương án kể trên, số lượng xe công trong cả nước sẽ giảm từ 42% đến 62% so với hiện nay.

Theo thống kê của bộ Tài chính, hiện cả nước có hơn 37.000 xe công (trừ xe quốc phòng, công an). Trong đó, số xe công phục vụ chức danh có 901 chiếc, số còn lại là xe phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng. Nếu những chính sách trên được thông qua, số xe biển xanh cả nước sẽ giảm rất nhiều.

Bộ Tài chính chỉ rõ, việc cần thiết phải ban hành một quy định mới để thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg đã ban hành trước đó. Bởi lẽ, trong quá trình triển khai thời gian vừa qua phát sinh nhiều vướng mắc như: Tuy số lượng xe phục vụ công tác chung đã giảm nhưng xe chuyên dùng có xu hướng tăng. Sau khi sắp xếp lại xe ô tô phục vụ công tác chung, một số bộ, ngành địa phương tiếp tục chuyển xe phục vụ công tác chung sang xe chuyên dùng.

Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị còn có quy định chưa phù hợp như định mức. Tiêu chuẩn xe phục vụ công tác chung ở các địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội, điều kiện tự nhiên khác nhau nhưng tiêu chuẩn sử dụng xe như nhau là chưa phù hợp với thực tế.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, hiện nay chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo cơ chế tự nguyện nên còn ít chức danh đăng ký áp dụng. Một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án để thực hiện nhưng còn mang tính thăm dò, thí điểm.
Việc kế thừa quy định trước Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg trong việc quy định một đơn giá (đơn giá bình quân của các hãng taxi trên địa bàn) để thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe cho các chức danh có đủ tiêu chuẩn là chưa bao quát hết thực tế, chưa thực sự tạo động lực khuyến khích việc thực hiện cơ chế khoán xe công.

Tác giả bài viết: Đ.Huệ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP