Chiều ngày 23-12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết năm 2024, ngành Công Thương quyết liệt "tinh, gọn, mạnh" bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.
"Năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai rà soát tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đánh giá tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương qua 4 nhiệm kỳ (20 năm), phục vụ xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2026-2031"- Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ghi nhận quyết tâm cao của Bộ Công Thương trong triển khai chủ trương của Trung ương về rà soát, sắp xếp lại bộ máy, tổ chức với đề xuất tinh giản tới gần 18% số đơn vị thuộc Bộ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ triển khai khẩn trương công tác sắp xếp tổ chức sau khi được Chính phủ phê duyệt để nhanh chóng ổn định tổ chức, bảo đảm không gián đoạn trong triển khai nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới phải hiệu quả, hiệu lực hơn tổ chức cũ.
"Lãnh đạo Bộ cần quan tâm quán triệt nhiệm vụ, ổn định tâm lý, giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính sách cho cán bộ khi sắp xếp"- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, hơn lúc nào hết, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương cần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để dẫn dắt, thúc đẩy ngành Công Thương phát triển.
Cho rằng năm 2025 cần tập trung bứt tốc để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định đây là năm củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu năm 2025 phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và các doanh nghiệp. Trong đó, đòi hỏi ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này.
Tác giả: Lê Thúy
Nguồn tin: Báo Người lao động