Khẳng định sẵn sàng hợp tác với du lịch Bình Dương nhưng các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng Bình Dương có thể tạo ra sản phẩm liên kết hấp dẫn đi cùng việc vạch rõ chiến lược hợp tác cụ thể. |
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, với khách du lịch phía Bắc, Bình Dương mới chỉ được biết đến là tỉnh công nghiệp chứ không phải là một điểm đến hấp dẫn.
Trước nhận định này, đại diện Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Bình DƯơng cho biết, mặc dù là vùng đất hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng Bình Dương cũng hội tụ nhiều điều kiện phát triển du lịch như cách trung tâm TPHCM khoảng 30km, trên địa bàn có các trục lộ giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 3 có thể dễ dàng liên kết với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, 3 con sông lớn chảy qua gồm sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé đã tạo cho tỉnh cảnh quan thiên nhiên sông nước đẹp với những vườn cây trái xanh tươi, thích hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, với điều kiện hiện có, Bình Dương đang định hướng phát triển các sản phẩm sông nước làm sản phẩm du lịch chủ đạo.
“Hiện chúng tôi đang xúc tiến xây dựng các bến đỗ du lịch dọc các con sông lớn chạy qua địa bàn tỉnh. Trong bán kính 10km từ bến đỗ sẽ phát triển đồng bộ các khu du lịch sinh thái để tạo sản phẩm hấp dẫn níu chân du khách ở lại với Bình Dương”, ông Phong nói.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao, Du lịch tỉnh Bình Dương cũng cho biết, theo Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển du lịch theo 3 không gian.
Cụ thể, không gian phía Nam, gồm khu vực TP. Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và một phần thị xã Bến Cát với các sản phẩm du lịch chính được đưa vào khai thác như du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, tham quan di tích lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch thể thao….
Không gian phía Tây Bắc gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn…, tỉnh sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa.
Không gian phía Đông với khu vực dọc theo lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé thuộc thị xã Tân Uyên và huyện Phú Giáo. Khu vực này được quy hoạch với các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước; du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch thể thao cao cấp với các điểm nhấn như công viên văn hóa nghỉ dưỡng Mắt Xanh, vườn bưởi Bạch Đằng….
Nhìn vào những điều kiện hiện có của Bình Dương, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist khẳng định, khách du lịch phía Bắc mới chỉ biết tới Bình Dương như điểm đến trong ngày. Trong khi đó, Bình Dương có thành phố thông minh đi đầu trong cả nước. Đây có thể là đòn bẩy giúp Bình Dương tận dụng tạo lợi thế so sánh với các tỉnh khác, đưa thành phố thông minh trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt đi cùng các lợi thế về các sản phẩm nghỉ dưỡng, văn hóa hiện có.
“Gần TP.HCM vừa là điểm cộng vừa là thách thức của Bình Dương vì rõ ràng khách du lịch phía Bắc khi tới TP.HCM sẽ ưu tiên ở lại thành phố. Do vậy, phát triển các tuyến du lịch kết nối Bình Dương với TP.HCM, Bình Dương với Đồng Nai và Bình Dương với Tây Ninh sẽ tạo điểm nhấn giúp Bình Dương giữ khách lưu trú dài ngày hơn”, ông Thắng nói.
Khẳng định các doanh nghiệp du lịch phía Bắc sẽ sẵn sàng hợp tác để đưa khách tới Bình Dương,tuy nhiên, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội UNESCO cho rằng, ngành du lịch Bình Dương cần đưa ra những yêu cầu, mong muốn hợp tác cụ thể để trên cơ sở đó đi tới thống nhất các kế hoạch hợp tác.
Tại buổi giới thiệu này, ông Trần Tường Huy, Trưởng ban Xúc tiến Du lịch TP. HCM cho biết: “Tận dụng lợi thế là tỉnh công nghiệp nên với dòng khách inbound du lịch dưới dạng hội nghị, hội thảo (du lịch mice), TP.HCM sẽ có những kế hoạch hợp tác cụ thể để cùng Bình Dương khai thác tốt dòng khách này. Ngoài ra, việc kết nối giữa địa đạo Củ Chi với địa đạo Bến Cát và một số điểm văn hóa lịch sử khác của Bình Dương cũng hứa hẹn đem tới các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử hấp dẫn cho du khách. Bên cạnh đó, những làng nghề như tre Phú An, sơn mài, gốm sứ…đặc trưng một số vùng của Bình Dương cũng sẽ đem tới những trải nghiệm hấp dẫn, mới lạ cho du khách”.
Được biết, du lịch miệt vườn là một trong những điểm nhấn sẽ được khai thác của du lịch Bình Dương . Nếu xét về lợi thế so sánh thì rõ ràng, sản phẩm này không khác gì sản phẩm mà các tỉnh lân cận đang khai thác.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành du lịch Bình Dương khẳng định, mặc dù cùng khai thác loại hình du lịch sinh thái miệt vườn nhưng Bình Dương có đặc sản măng cụt và bưởi ngon hơn hẳn các khu vực khác. Ngoài ra, để tạo ra giá trị đặc sắc cho du lịch sinh thái, ngoài khai thác giá trị sông nước thì tỉnh cũng sẽ quy hoạch khai thác các khu miệt vườn gắn với những điểm tham quan địa danh di tích lịch sử đặc sắc ở từng vùng để không gây nhàm chán cho khách. Cùng với đó, thành phố du lịch thông minh cũng đang được nghiên cứu, phát triển để tạo ra lợi thế khác biệt về sản phẩm du lịch cho tỉnh.
Tác giả: Hải Hà
Nguồn tin: Báo Đầu tư