Tôi lấy chồng khi đang là bác sĩ trẻ tại một bệnh viện tuyến trung ương. Gia đình chồng tôi đều trong nghề xây dựng. Kinh tế khá giả nên đám cưới của tôi được tổ chức vô cùng long trọng.
Sau đám cưới, hai vợ chồng tôi được đề nghị ở chung với bố mẹ chồng dù gia đình họ sở hữu rất nhiều bất động sản cho thuê.
Tôi không ái ngại việc đó vì nghề nghiệp của tôi vốn tiếp xúc với nhiều người già. Tuy nhiên trong quá trình sống chung, tôi mới thấy mọi thứ không đơn giản như những gì mình nghĩ.
Ảnh: Unsplash |
Mẹ chồng tôi là một người kỹ tính. Bà hay soi mói và luôn sợ chồng tôi sẽ yêu thương tôi hơn bà. Chính vì thế tuy sống ở thế kỷ 21 nhưng chúng tôi không bao giờ được chạm vào nhau hoặc cười đùa với nhau trước mặt mẹ chồng.
Bố chồng tôi thì khó tính và độc đoán. Ông luôn muốn mọi việc trong gia đình phải theo ý mình, cho dù chuyện đó là nhỏ hay to.
Ngay cả việc chúng tôi sinh con, bố chồng tôi cũng muốn chúng tôi phải xem ngày xem tháng để chọn thời điểm tốt. Và chính vì quan điểm ngày đẹp tháng tốt ấy mà 2 năm sau khi kết hôn, chúng tôi mới được lệnh: “Thả”.
Thế nhưng sau khi được lệnh, tôi lại không thể dính thai. Mẹ chồng tôi và cả bố chồng tôi đều lo lắng không yên. Họ hối thúc tôi đi chữa trị và kết luận như đinh đóng cột rằng lỗi mang thai là do tôi.
Tôi đã phân tích với chồng và chồng tôi lặng lẽ đi cùng tôi tới bệnh viện kiểm tra. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy vấn đề sinh sản của hai vợ chồng tôi hoàn toàn bình thường. Vì vậy tôi lại cố gắng chờ đợi.
8 tháng sau thì tôi có tin vui nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang vì đứa con chỉ ở trong bụng tôi 4 tháng… Nửa năm sau đó, tôi lại tiếp tục mang thai lần thứ 2. Lần mang thai này tôi đã khám xét và giữ gìn hết sức cẩn thận. Vậy mà đứa bé vẫn rời xa tôi.
2 lần mang thai không thành công, tôi bị suy nhược nên cơ thể càng ngày càng gầy ốm xanh xao.
Mẹ chồng tôi không chăm sóc cho con dâu mà dành thời gian đi xem bói và tế lễ. Sau đó, không biết ông thầy bói nào đã phán với bà, nhưng bà nói với chồng tôi và bố chồng tôi rằng, vợ chồng tôi khắc nhau đường con cái.
Vì vậy nếu ở cạnh nhau, vợ chồng tôi sẽ không thể sinh con hoặc nếu có sinh được con thì chồng tôi sẽ mất sớm.
Từ đó, bà luôn muốn phá hủy cuộc hôn nhân của chúng tôi. Bà còn mai mối cho chồng tôi những cô gái trẻ trung, khỏe mạnh để sẵn sàng thế chỗ tôi.
Sự tác động càng ngày càng quá đáng của bà khiến vợ chồng tôi mâu thuẫn liên tục. Cuối cùng, đúng như nguyện vọng của bà, chồng tôi đã ngoại tình và tôi không thể tha thứ.
Vì thế chúng tôi ra tòa ly hôn khi mẹ chồng tôi còn đang bận đi mua sắm với nhân tình của con trai…
Ly hôn xong, tôi đi khỏi nhà và đã tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ gặp lại các thành viên trong gia đình đó nữa. Nhưng tuần vừa rồi, trong ca trực cấp cứu của tôi ở bệnh viện, tôi đã gặp lại bà - mẹ chồng cũ của tôi.
Bà nhập viện trong tình trạng bị tai biến. Mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến người hỗ trợ. Tuy nhiên, con dâu của bà (tức vợ của chồng cũ tôi) lại đang mang thai. Vì vậy mọi việc ở bệnh viện chỉ có chồng cũ tôi và người giúp việc lo.
Anh đã gặp tôi và cầu xin tôi giúp anh cứu và chăm sóc bà nhưng tôi đã từ chối. Tôi nói với anh, tôi chỉ làm tròn nhiệm vụ của một nhân viên y tế. Còn lại tôi không thể bỏ các bệnh nhân khác để ưu ái riêng cho bệnh nhân này.
Tuy nhiên nói xong rồi, nhìn thấy anh loay hoay một mình với người mẹ bệnh tật, tôi lại không cầm lòng. Tôi định sẽ xin nghỉ phép để tránh cảnh gặp gỡ này. Như vậy có phải tôi đã quá đáng lắm không?
Tác giả: Hà Ân (Hà Nội)
Nguồn tin: Báo VietNamNet