Kinh tế

“Bẫy” tín dụng “đen” treo lơ lửng trên đầu người dân

Rất nhiều tờ quảng cáo “cho vay tín chấp, vay tiêu dùng không cần hộ khẩu, vay có tiền ngay trong ngày”... được dán đầy rẫy. Tin vào những lời quảng cáo trên rất nhiều người đã rơi vào bẫy tín dụng đen, trong đó có những sinh viên đã phải bỏ học, trốn nợ!

Giăng bẫy

Vừa thoát khỏi vay nóng, anh B. (ngụ Q.Phú Nhuận) kể: “Do cần tiền gấp cho vợ mổ thì tình cờ nhìn thấy trên cột điện có tờ quảng cáo: Không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập cũng có thể vay vốn... Như bắt được vàng, tôi điện thoại ngay đến số 0964479... hỏi vay 20 triệu đồng, một ngày trả 600.000 đồng, trong vòng 40 ngày. Và, ngay sau đó, có người mang tiền đến tận nhà viết giấy nợ, cho vay".

Một số trang web tín dụng cho vay nhanh, vay nóng.


Theo anh B, do mỗi ngày phải góp số tiền quá lớn nên anh năn nỉ giảm bớt tiền và kéo giãn thời gian nhưng không được chấp nhận. Do đó, sau 40 ngày, chẳng những anh không trả hết nợ mà còn phải trả thêm tiền lãi cho số tiền còn nợ và vẫn phải tiếp tục đóng tiền góp mỗi ngày...

Từ nhiều năm qua, cứ hè đến là dịch vụ cho sinh viên vay tiền để về quê thăm gia đình lại bùng phát. Những người có tiền thường gợi ý cho sinh viên vay với điều kiện khá đơn giản: Chỉ cần giao thẻ sinh viên hoặc chứng minh nhân dân. Và thông thường, các chủ nợ chỉ cho mỗi sinh viên vay từ 3-5 triệu đồng kèm giao kèo là phải hoàn trả sau khi trở lại thành phố. Trường hợp chưa trả được vốn gốc thì vẫn phải tiếp tục đóng lãi cho tới khi nào trả xong nợ gốc mới thôi. Được biết, mức lãi sinh viên phải chịu rất cao, từ 10.000-15.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay mỗi ngày. Đã thế, người cho vay còn lấy trước tiền lãi và thu 10 ngày 1 lần. Như vậy, nếu sinh viên vay 1 triệu đồng tiền gốc, với mức lãi 12.000 đồng/1 triệu đồng/ngày thì chủ nợ trừ ngay 120.000 đồng tiền lãi, chỉ giao cho 880.000 đồng. Thông thường, nếu sinh viên về quê nghỉ quá 10 ngày thì người cho vay sẽ thỏa thuận, có thể 15 ngày mới phải đóng lãi một lần, hoặc 20 ngày... Và, cho dù thời gian vay như thế nào thì khoản lãi "cắt" trước vẫn là bắt buộc. Do đó, chủ nợ chỉ bỏ ra khoảng 50 triệu đồng cho vay, với mức lãi mỗi ngày là 10.000 đồng/1 triệu đồng vay thì chỉ trong vòng nửa tháng đã thu về 7,5 triệu đồng tiền lãi.

Trở thành "chân rết" tín dụng đen

Trong vai một sinh viên, chúng tôi gọi đến số điện thoại đăng trên mạng và khi nghe chúng tôi nói cần vay tiền, thì N (người nghe máy) đã nhanh nhảu hỏi là sinh viên năm mấy, trường nào rồi hẹn chúng tôi ở quán cà phê trên đường D2 (Q.Bình Thạnh) để giao tiền. Tại đây, sau khi xem qua hồ sơ, N cho biết chúng tôi sẽ được vay tối đa 5 triệu đồng, lãi 5.000 đồng/ngày, trả góp cả gốc và lãi trong vòng 5 tháng...

Dán đầy tường, cột điện.

Tờ rơi tín dụng đen được phát trên đường...


Tương tự, một người tên T (đường Tôn Đản, Q.4), cũng yêu cầu chúng tôi đọc mã số sinh viên để kiểm tra trên hệ thống điểm của trường và đọc số điện thoại, địa chỉ liên hệ của gia đình rồi in ra giấy với nội dung "ứng" 5 triệu đồng, hạn trả đúng 5 tháng, nhưng không ghi lãi suất (chỉ dặn miệng là 4.000 đồng cho mỗi triệu đồng vay mỗi ngày). Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xin một bản để lưu thì T nói "không thế chấp gì nên không được giữ"!

L.T.T (Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nói trong bức xúc: "Do cần tiền đóng học phí, em vay của anh T 3 triệu đồng, lãi suất 12.000 đồng/ngày và mỗi tháng phải trả 1 triệu đồng tiền gốc cùng 360.000 đồng tiền lãi. Tuy nhiên, đến cuối tháng, do cha mẹ chưa có tiền gửi vào nên em gọi lại để xin trả trễ vài ngày thì bị đe dọa, sau đó họ còn điện thoại về nhà em đòi tiền. Hôm em đem tiền lên trả thì số tiền lãi đã đội lên thêm 300.000 đồng. "Dã man" quá, em chỉ trả trễ có 10 ngày mà tiền lãi đội lên gần bằng của 1 tháng"!

Thực tế, đã có một số sinh viên vay nợ của tín dụng đen rồi trở thành “chân rết” của chủ nợ như trường hợp của 2 sinh viên trọ cùng phòng là C.Đ (Đại học Tôn Đức Thắng) và V.Q (Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM). Do số nợ lên tới vài chục triệu đồng, không thể xoay được tiền trả nên cả 2 đành bỏ học trốn nợ và bị truy tìm, đe dọa cũng như gọi điện về cho gia đình. Mặc dù, đã được cha mẹ 2 sinh viên này cam kết, song trong thời gian chờ gia đình gom tiền C.Đ và V.Q bị chủ nợ bắt đi gạ gẫm bạn bè phải vay tiền của họ (cứ "giới thiệu" được một người vay, “chân rết” sẽ cho hưởng hoa hồng 80.000 đồng, trừ thẳng vào tiền lãi)...

Gọi vào số máy 0123321... để hỏi vay tiền chúng tôi được một người phụ nữ cho biết: Nếu vay 20 triệu đồng thì phải trả mỗi ngày 800.000 đồng trong vòng 30 ngày, tức tổng tiền gốc và lãi phải trả là 24 triệu đồng. Chưa hết, còn phải trả thêm 2 triệu đồng tiền công cho người đến lấy tiền góp hàng ngày. Nếu hộ khẩu ở tỉnh thì cần người có hộ khẩu TP.HCM đi theo bảo lãnh. Và, khi hết thời hạn mà không trả nổi thì tính thêm 20.000 đồng/1 triệu đồng và vẫn trả góp hàng ngày tính luôn tiền lãi với tiền gốc. Như vậy, mức lãi suất lên tới 30%/tháng, tương đương 360%/năm, đó là chưa kể, nếu chậm thì phải trả cả lãi mẹ lẫn lãi con...

Tác giả bài viết: Cao Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP