Trong nước

Bài học oan sai một nền tư pháp liêm chính

Pháp luật hình sự cùng nhiều quy định khác của ngành tư pháp đã chấn chỉnh, đề ra những biện pháp ngăn ngừa oan sai, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ án oan sai, rất đáng suy ngẫm.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa, ở Bắc Giang) được tuyên vô tội sau khi ngồi tù oan 10 năm Ảnh: NGUYỄN QUYẾT/NLĐ

Tuần trước, Tòa án nhân dân tối cao vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của công tác tư pháp năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Không thể phủ nhận, pháp luật hình sự cùng nhiều quy định khác của ngành đã chấn chỉnh, đề ra những biện pháp như lắp camera, cho luật sư tham gia quá trình tố tụng từ khi điều tra, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ án oan sai, rất đáng suy ngẫm. Điểm chung của các vụ oan sai là do không tuân thủ nghiêm túc Điều 86 Bộ Luật tố tụng hình sự, dùng nhục hình, bức cung….

Hẳn nhiều người còn nặng lòng về một số vụ án oan sai chấn động dư luận, ngành tòa án đã tổ chức xin lỗi công dân.

Nhìn vào các mặt báo sẽ không khỏi day dứt vụ ông Hàn Đức Long ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang bị án tử hình oan tội giết người và hiếp dâm; Vụ bà Đặng Thị Nga và 2 con Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương ở Tuần Giáo, Điện Biên bị án oan giết chồng, giết cha; Vụ ông Nguyễn Trần ở ấp 2, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai án oan “giao cấu với trẻ em;

Rồi còn ông Nguyễn Thanh Chấn xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang án oan chung thân về tội giết người; Ông Huỳnh Văn Nén ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận bị 2 án oan về 2 tội giết người; Và vụ ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh bị án tử hình oan tội giết em họ.

Giới chuyên gia tư pháp và công luận đã bỏ công đi tìm nguyên nhân của các vụ án oan sai bị hủy thì thấy, do việc đánh giá chứng cứ của tòa án các cấp đã chưa đảm bảo được đúng bản chất sự vụ. Việc sử dụng chứng cứ (không chính xác) là nguyên nhân có những bản án oan sai như vậy.

Soi lại Điều 86 Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Như vậy ngoài việc phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, thì trước tiên, chứng cứ phải là những gì có thật đã. Và như thế cũng có nghĩa rằng, không phải cứ thu thập theo trình tự, thủ tục của BLTTHS thì nó đã là chứng cứ. Đó là điều buộc những người xét xử phải làm công tâm, làm có trách nhiệm.

Bài học lớn rút ra sau khi soi xét lại các vụ án oan sai bị hủy là, có những Hội đồng xét xử đã "quên" mất khâu đầu tiên khi tiếp cận với những thứ "được thu thập theo trình tự, thủ tục" của BLTTHS quy định, do Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát chuyển đến, đó là phải đánh giá với những thứ được tạm coi là chứng cứ đó, xem nó có phải là "những gì có thật" trong vụ án đó không.

Nguyên tắc là, chỉ khi nào những thứ đó là "những gì có thật" trong vụ án, và phải có liên quan đến hành vi xảy ra trong vụ án "để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”, thì mới được coi là chứng cứ.

Đây đó, vẫn còn cơ quan xét xử tư duy "án tại hồ sơ", cho nên khi những thứ này được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát chuyển sang Tòa án thì ở những vụ án oan sai cán bộ xét xử đã xem xét dễ dãi, thậm chí có khi còn mặc nhiên coi nó là chứng cứ.

Chẳng hạn như, lời khai bị mớm cung, bức cung, người làm chứng gian dối, vật chứng lấy không đúng thứ phản ánh hành vi xảy ra, sơ đồ hiện trường mô tả thiếu sót,... thì rõ ràng đã không phải là "những gì có thật" của vụ án, mặc dù "được thu thập theo trình tự, thủ tục" do BLTTHS quy định. Thậm chí có vụ, thiếu vật chứng thì đã bổ sung bằng cách lấy vật chứng từ ... bên ngoài vụ án để cho khớp với lời khai trong hồ sơ, và sơ đồ hiện trường bị điều chỉnh cho ... khớp với lời khai.

Chính vì thế điều này đã giải thích tại sao một trong các bước tiến hành tố tụng là phải có tranh luận tại phiên tòa, là một bước cực kì quan trọng, không thể thiếu trong công tác xét xử vụ án. Có nghĩa rằng, một vụ án được xét xử chính xác hay không, là phụ thuộc rất nhiều vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.

Chính bởi tại phiên tòa, các thứ "được thu thập theo trình tự, thủ tục" do BLTTHS quy định đang tạm được coi là chứng cứ, nhưng nó cần phải trải qua một khâu kiểm chứng rất quan trọng là tranh luận tại phiên tòa, để thẩm tra được nó có phải là "những gì có thật" của vụ án hay không.

Việc tranh tụng tại phiên tòa một cách công bằng giữa các bên, các ý kiến đều được coi trọng ngang nhau, sẽ soi rọi nhiều chiều làm sáng tỏ được những góc khuất của vụ án mà nếu nhìn phiến diện bề ngoài với những thứ đang tạm coi là chứng cứ đó sẽ không phát hiện ra được. Ý kiến của bên bào chữa phải là ngang hàng với bên buộc tội, và tòa án chỉ được căn cứ vào kết quả tranh luận giữa 2 bên này để xét xử chứ không được theo nhận định chủ quan của mình hay nghiêng về phía bên "nhà nước". Đó phải được coi là nguyên tắc xét xử thì mới tránh được án oan sai.

Tác giả: Phạm Mạnh Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP