Cuộc sống

Ăn nhiều mì tôm bị ung thư dạ dày?

Một trang tin của Trung Quốc phản ánh một thanh niên ăn mì tôm lâu ngày bị ung thư dạ dày. Khi thông tin được đăng tải, người tiêu dùng lo sợ. Chuyên gia y tế nói gì về vấn đề này?

Mới đây, một nam thanh niên ở Đài Loan (Trung Quốc) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối do thường xuyên ăn mì tôm. Do áp lực thi cử nặng nề, chàng trai 18 tuổi này thường xuyên phải thức đêm học bài. Mỳ tôm chính là sự lựa chọn hàng đầu khi đói bụng.

Sau khi có kết quả thi đỗ, chàng trai đi khám sức khỏe và bàng hoàng khi bị phát hiện mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Bác sĩ Lâm Triệu Đường (Hội Y học Đài Loan) cho biết, độ tuổi mắc ung thư dạ dày trung bình là 65 tuổi. Tuy nhiên, vài năm gần đây, số lượng người trẻ mắc ung thư tăng vọt, nguyên chủ yếu do thói quen ăn uống không điều độ, thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm ăn liền như mỳ tôm, dưa chua…

Mới đây, báo chí Việt Nam dẫn số liệu của Hiệp hội mì ăn liền Thế giới (WINA), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền sau: Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Mức tiêu thụ mì của người Việt có giảm nhưng vẫn cao, năm 2014 tiêu thụ 5 tỷ gói, 2015 giảm xuống 4,8 tỷ gói.

Chị Lê Thị Quỳnh, sinh viên trường Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Cuộc sống xa bố mẹ, lười nấu ăn nên em ăn mì tôm thường xuyên, thậm chí ăn mỳ tôm sống. Nghe thông tin bạn nam ở Trung Quốc ăn mì tôm nhiều bị ung thư mà sợ quá, không biết có đúng thế không. Chắc giờ em cũng phải hạn chế”.

Mì ăn liền, món ăn được nhiều người tin dùng. Ảnh: Ngọc Thi


Nói về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Tiến Quang, bác sỹ chuyên điều trị ung thư dạ dày tại bệnh viện K Hà Nội cho biết: “Trong các tài liệu Y học chưa có một nghiên cứ nào kết luận ăn nhiều mì tôm bị ung thư dạ dày. Ở Việt Nam, độ tuổi mắc bệnh ung thư dạ dày nhiều nhất rơi vào độ 40 đến 50 tuổi. Hiện, vẫn có bệnh nhân 18 -20 tuổi mắc phải loại bệnh này”.

Anh cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh, việc ăn uống quá mặn không chỉ ảnh hưởng không nhỏ đến thận mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới dạ dày.

Ăn mặn tạo điều kiện cho vi khuẩn Helicobacter Pylori phát triển. Đây là loại vi khuẩn căn nguyên của 80% trường hợp ung thư dạ dày.Các loại thực phấm chế biến sẵn chứa một hàm lượng muối rất cao như dưa muối… cũng mang nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày.

Bên cạnh đó, các loại thực phẩm sẽ trở nên có hại nếu như được chế biến với các loại dầu mỡ đã bị dùng chiên rán nhiều lần. Ăn đồ chiên rán quá mức sẽ làm gia tăng lượng heterocyclic amines - một chất gây ung thư khi tích tụ với nồng độ cao.

Trong các bữa ăn nếu có thói quen ăn nhanh, nhai không kỹ … thức ăn thô sẽ chuyển xuống dạ dày có nguy cơ làm tổn thương, gây ra bệnh viêm loét dạ dày, nếu tình trạng này diễn ra lâu dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Không chỉ riêng trẻ con mà ngay cả người lớn cũng thích ăn mì tôm vì sự tiện lợi, giá thành một bát mì tôm rẻ. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết: “Thành phần chủ yếu của mì tôm chính là tinh bột và chất béo, bên cạnh đó một lượng lớn vitamin và gluco đã bị mất đi trong quá trình chế biến. Do đó, nếu ăn quá nhiều mì tôm sẽ thiếu chất xơ, vitamin, khoáng chất, ngay cả khi bát mỳ tôm có rau, thịt…”

Bà tư vấn thêm, đối với người lớn, trẻ nhỏ chỉ nên ăn 1-2 gói/tuần. Những người có hệ tiêu hóa không tốt không nên ăn. Mì ăn liền là một trong những món ăn được sấy khô sau khi chiên qua dầu. Nếu ăn mì ăn liền xuyên có thể sẽ gây rối loạn chức năng dạ dày, làm xuất hiện các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng…

Tác giả bài viết: Ngọc Thi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP