Du lịch

Ẩm thực xứ Lạng gây thương nhớ thực khách với 3 món ăn tiêu biểu

Nếu có dịp đến thăm xứ Lạng, du khách đừng quên thưởng thức 3 món ngon trứ danh được vinh danh trong Top Ẩm thực Tiêu biểu Việt Nam, đó là lợn quay, vịt quay và khâu nhục.

Người dân thích thú xem những sản phẩm ẩm thực vịt, lợn quay tại Hội thi Hương sắc Ẩm thực Xứ Lạng năm 2023. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng cùng ẩm thực độc đáo, riêng có ở địa phương.

Sự phong phú, đa dạng và độc đáo của các sản phẩm ẩm thực của Lạng Sơn sẽ là ấn tượng sâu sắc đối với du khách khi tới đây.

Nếu có dịp đến thăm xứ Lạng, du khách đừng quên thưởng thức 3 món ngon trứ danh được vinh danh trong Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, đó là lợn quay, vịt quay và khâu nhục.

Lợn quay

Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con, có màu vàng ruộm. Khi ăn sẽ cảm thấy được vị ngọt của thịt, giòn của da lợn, đặc biệt là mùi thơm không thể lẫn vào đâu được của quả và lá mác mật.

Để có món lợn quay thơm ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn lợn. Lợn phải chọn những con có lông mượt, dày và dài và có trọng lượng từ 25-40kg. Tiếp theo là công đoạn chế biến và tẩm ướp gia vị.

Nguyên liệu tẩm ướp chính gồm lá mắc mật tươi, quả mắc mật, đậu phụ nhự và tàu choong Đây là một loại tương đậu nành làm theo công thức của người Tày. Ngay cả mật ong để đánh màu cũng phải là loại tốt, nếu không con lợn không thể lên màu đều và đẹp.

Thịt lợn quay Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Để da của lợn quay nổi rộp thì người thợ cần dùng một cây kim dài, vừa quay vừa châm vào da, đồng thời phết mật ong và quay đều tay cho đến khi con lợn xuất hiện màu nâu cánh gián.

Trước đây, người Tày thường quay lợn trực tiếp trên ngọn lửa than củi núi đá mất khoảng 2-3 tiếng. Hiện nay, bà con cải tiến bằng lò quay chạy tự động nhanh hơn rất nhiều, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân. Mỗi một con lợn ngon được ra lò phụ thuộc vào tay nghề của người thợ cũng như bí quyết quay của từng gia đình.

Tuy nhiên, dù phương thức quay có tiên tiến hơn nhưng hương vị và màu sắc của thịt lợn quay Lạng Sơn vẫn giữ được nét đặc trưng với những nguyên liệu vô cùng đơn giản.

Thịt lợn quay không chỉ là đặc sản xuất hiện vào những dịp đặc biệt như đám cưới, ma chay, lễ hội, mà đã trở thành món ăn phổ biến của người dân. Món ăn này ngày càng nhiều người biết đến và xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, được nhiều người yêu thích và nhớ đến như một nét đẹp gắn với phong tục tập quán của người dân Xứ Lạng. Dù đi đâu, khi đặt chân đến Lạng Sơn, thịt lợn quay là món ăn du khách không thể bỏ qua.

Vịt quay

Cũng như lợn quay, vịt quay Lạng Sơn được ví như “linh hồn” của nền ẩm thực xứ Lạng. Du lịch Lạng Sơn, bạn không thể không thưởng thức món vịt quay nóng hổi, vàng ươm, thơm lừng và đậm đà khó quên này.

Vịt quay Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nếu như ở Hà Nội có đặc sản vịt cỏ Vân Đình dường như đã trở thành một thương hiệu lớn, thì Lạng Sơn có đặc sản vịt Thất Khê, thịt dày mềm, xương nhỏ. Vịt được chọn để quay vừa lớn tới, không già quá mà cũng không quá non. Nhưng chọn vịt chỉ mới là khâu đầu. Còn để thịt quay ngon, nằm ở khâu tẩm ướp.

Món vịt quay đặc sản Lạng Sơn được chế biến từ loại vịt bầu tại thị trấn Thất Khê và được ướp cùng lá mắc mật thơm lừng.

Người dân địa phương dùng nhiều loại lá rừng có vị thơm, trong đó không thể thiếu lá mắc mật, quả mắc mật, mật ong, hắc xì dầu, sả, ớt, tiêu đen, dầu đậu nành, gừng, hạt nêm, chanh hoặc dấm, tỏi, mạch nha để ướp thịt vịt..

Bụng vịt được nhồi nhiều thứ gia vị hái được trong rừng, trong đó đặc sắc nhất là lá mắc mật rồi khâu lại, để khoảng 2 đến 3 tiếng để thịt vịt ngấm gia vị rồi mang nướng nhẹ trên lò than hồng cho đến khi màu da vịt chuyển từ vàng sang nâu sẫm mới cho vào chảo mỡ đã phi xả, ớt, gừng…. hay dầu lạc nóng già đều tay lật con vịt qua lại.

Khi ăn vịt quay, dân địa phương không bao giờ dùng nước mắm hay xì dầu nguyên chất. Họ có một loại nước chấm tự mình pha chế. Đó là thứ nước sóng sánh lấy từ bụng con vịt đã được quay chín cùng với một vài vị độc chiêu “bí truyền.”

Lớp mỡ chảy béo ngậy hòa quyện với lớp da giòn rụm và miếng thịt ngọt lịm dễ dàng “đốn ngã” mọi thực khách. Sự kết hợp hài hòa này tạo ra một món ăn vô cùng thơm ngon, tròn vị.

Khâu nhục

Khâu nhục là món ăn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng ở xứ Lạng. Món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam, được người Tày, Nùng biến tấu món ăn phù hợp với khẩu vị vùng miền. Trải qua thời gian, khâu nhục trở thành món ngon không thể thiếu trong các dịp quan trọng như đãi khách đám cưới, lễ tiệc… của đồng bào dân tộc nơi đây.

Món khâu nhục Lạng Sơn.

Để cho ra đời được một bát khâu nhục thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn nhưng trước tiên phải chọn loại thịt ba chỉ lợn ngon, có đủ vừa nạc vừa mỡ miếng thịt không quá dày. Công đoạn khó nhất là chiên chao, phải làm sao cho phần bì thật giòn, không cháy nhưng vẫn giữ được phần thịt bên trong không chín quá.

Sau khi chọn được thịt lợn, tiếp đến là công đoạn chế biến và tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu để làm nên món khâu nhục gồm có húng lìu, ngũ vị hương, giấm, muối, hạt tiêu, nấm hương, quả mác mật khô… Phần rau củ thì không thể thiếu cây tàu soi (một loại rau cải muối mặn đặc trưng của bà con dân tộc Tày, Nùng). Cây tàu soi được ngâm nước khoảng 30 phút để nhả bớt vị mặn, sau đó để ráo nước, đem rửa sạch, cắt khúc khoảng 3cm.

Thịt ba chỉ sau khi mua về rửa sạch, để nguyên miếng có trọng lượng khoảng 6kg đến 7 kg cho vào luộc qua nước sôi khoảng 30 phút để loại bỏ chất bẩn, giúp miếng thị săn chắc hơn. Sau khi luộc, thịt được vớt ra để ráo và tiến hành công đoạn “châm thịt” với dụng cụ có đầu nhọn như dĩa, xiên tre, tăm nhọn… châm đều phần bì nhưng không châm sâu đến lớp mỡ phía dưới, để miếng thịt giữ được độ giòn và dễ ngấm gia vị hơn.

Sau đó thịt được đem chao ngập dầu từ 10 đến 15 phút. Khi thấy phần bì chuyển màu nâu cánh gián đẹp mắt là có thể vớt ra và cho vào ngâm nước khoảng 30 phút, việc ngâm trở lại nước giúp miếng thịt mềm hơn. Khi thịt còn ấm, người làm sẽ dùng dao thật sắc thái thịt thành từng miếng dày khoảng 2cm, dài từ 10-15cm.

Tiếp đến, xếp khoảng 6 đến 8 miếng thịt sao cho phần bì áp chặt vào đáy bát đựng canh. Cuối cùng rưới thêm hỗn hợp nước sốt theo công thức “bí truyền” của từng gia đình và xếp tàu soi ở cuối cùng trước khi dùng màng bọc thực phẩm bao kín lại. Đặt bát khau nhục vào nồi hấp cách thủy với lửa liu riu khoảng 3 đến 5 tiếng.

Sau khi hoàn thành, khâu nhục được cho ra đĩa sâu lòng. Cách bài trí đúng chuẩn là đặt chiếc đĩa lên miệng bát rồi úp ngược lại. Thao tác phải thật nhẹ nhàng, đôi tay khéo léo lật úp để món ăn có tạo hình đẹp mắt và nước thị không bị rơi ra ngoài./.

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP