Trong nước

Nhà thờ họ trên hành lang Quốc lộ: Trách nhiệm của ai?

Cả Sở VHTTDL Hà Tĩnh và thị trấn Nghi Xuân đều khẳng định không chịu trách nhiệm quản lý việc một phần nhà thờ họ chủ tịch Tỉnh nằm trên QL8B.

>>Nhà thờ họ Đặng nằm lấn quốc lộ

Sở VHTTDL chịu trách nhiệm trực tiếp
Nhà thờ dòng họ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Đặng Duy Báu và đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh vốn thuộc diện di dời sau khi dự án mở rộng QL8B được triển khai. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhà thờ vẫn đang nằm trong hành lang ATGT đường bộ.

Chiều 14/2, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Tuấn Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Nghi Xuân khẳng định, nhà thờ họ Đặng hay còn gọi là nhà thờ ông Đặng Sỹ Vinh đã có từ lâu tại địa phương. Nhà thờ chính thức được tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2003.

Tuy nhiên vào năm 2010 khi tiến hành GPMB Dự án nâng cấp, mở rộng QL8B giai đoạn 1, đoạn qua thị trấn Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân thì một phần nhà thờ đã nằm trên lòng đường tuyến Quốc lộ.
1nha tho ho nam tren hanh lang quoc lo trach nhiem cua ai 15634177
Cả Sở VHTTDL Hà Tĩnh và thị trấn Nghi Xuân đều khẳng định không chịu trách nhiệm quản lý việc một phần nhà thờ họ chủ tịch Tỉnh nằm trên QL8B. Ảnh: Báo GT

“Từ khi tôi lớn lên đã thấy nhà thờ họ Đặng rồi. Chỗ nhà thờ đó trước kia thì đường nhỏ. Từ 3m lên 8m, 9m rồi 24m. Nhà thờ nằm trong gói dự án mở đường từ năm 2010 triển khai. Vướng mắc này là do đường mở chứ không phải do nhà thờ họ.

Theo lịch sử chúng tôi được ghi lại thì cụ Đặng Sỹ Vinh trước đây có công trạng mở con đường này.

Hiện nay khi nhà thờ họ Đặng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nên thẩm quyền thuộc về UBND tỉnh và trực tiếp là Sở Văn hóa thể thao du lịch tham mưu. Di tích chỉ nằm trên địa bàn quản lý thôi”, ông Dương khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Dương, thời gian qua, người dân địa phương đều mong muốn xử lý dứt điểm tình trạng một số phần của nhà thờ họ Đặng nằm trên Quốc lộ 8B.

“Đã có nhiều lần Sở Văn hóa và địa phương bàn bạc, có nhiều diễn đàn để tìm phương án xử lý. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết phù hợp”, ông Dương chia sẻ.

Trách nhiệm quản lý của địa phương

Trong khi đó, tối 14/2, xác nhận với Đất Việt, ông Nguyễn Cảnh Thụy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao du lịch Hà Tĩnh cho biết Sở này đã có buổi làm việc với đại diện chính quyền huyện Nghi Xuân trong chiều cùng ngày.

Tuy nhiên, ông Thụy khẳng định, Sở và địa phương thảo luận về một số công việc liên quan đến hoạt động công nghiệp chứ không liên quan gì đến việc di dời nhà thờ họ Đặng.

“Việc này Sở không xử lý mà do chủ sở hữu di tích thỏa thuận với chính quyền sở tại, tức là địa phương thống nhất phương án rồi sau đó Sở sẽ cho ý kiến. Sở không trực tiếp chỉ đạo việc đó. Các bên phải tự thống nhất và đề xuất phương án. Địa phương quản lý di tích tức là Trưởng ban quản lý di tích luôn”, ông Thụy khẳng định.

Sợ tạo dư luận không tốt

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Phan Thanh Là, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Nghi Xuân khẳng định, sự việc trên đã diễn ra trong một thời gian dài.

Theo ông Là, thời điểm ban đầu khi vướng mắc nhà thờ họ Đặng, đơn vị này đã làm công văn gửi các cấp chính quyền. Sau đó đến năm 2015, Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Tĩnh cùng Ban ATGT tỉnh có về địa phương làm việc với dòng họ Đặng.

Các bên cũng có biên bản làm việc. Theo thông tin tôi nắm được thì dòng họ ban đầu cũng định đổi đất, chuyển về nơi khác. Tuy nhiên sau đó có ý kiến không đồng ý nên QL8B đã giải phóng nhiều đợt nhưng đoạn đó vẫn chưa làm được”, ông Là chia sẻ.

Ông Là cho biết thêm, trong nhiều cuộc họp với chính quyền, người dân địa phương đều đề nghị di dời nhà thờ họ Đặng về vị trí phù hợp hơn. Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận dù công trình trên không ảnh hưởng gì đến an toàn giao thông nhưng xét về mỹ quan, việc phần cổng nhà thờ họ Đặng chìa ra ngoài QL8B khiến con đường không được đẹp.

“Tôi cũng mong muốn lần này được giải quyết triệt để. Nếu không giải phóng di dời được nhà thờ họ thì cũng thu hẹp lại cho phù hợp hơn. Hiện nay địa phương đang tiến hành tuyên truyền, vận động bà con nhân dân làm nông thôn mới, giải phóng đất đai để làm đẹp đường, đẹp xóm. Nếu như nhà thờ của lãnh đạo lại không làm được thì sẽ tạo dư luận không tốt. Nhân dân cũng nói nhiều thời gian qua”, ông Là nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Là chia sẻ, nhà thờ họ Đặng diện tích rất hẹp, một chiều khoảng 8m, một chiều 6m. Kiến trúc nhà cũng bình thường, được thiết kế khoảng 3 gian. Phía trên có bàn thờ, ở giữa không có từ đường mà làm sảnh.

“Nhà thờ làm theo kiểu nửa hở, nửa kín để khách ra vào tham quan. So với các dòng họ khác và nhà thờ khác về diện tích cũng như độ hoành tráng thì nhà thờ họ Đặng chưa bằng. Tuy nhiên nhà thờ đạt tất cả các yếu tố đề ra để được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”, ông Là miêu tả.
Tác giả: Hà Nam
Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP